Xuân Thủy - Sáng đẹp phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh

LTS - Nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Xuân Thủy, nguyên Bộ trưởng, Trưởng Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pa-ri (2-9-1912 - 2-9-2017), nhà báo Hà Đăng đã có bài viết giới thiệu những kỷ niệm sâu sắc về một nhà ngoại giao xuất chúng, một nhà báo, nhà thơ lớn với những câu thơ vừa dí dỏm, lạc quan thể hiện bản lĩnh ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh.
Đồng chí Xuân Thủy (hàng đầu, bên phải) và đồng chí Lê Đức Thọ họp báo tại Hội nghị Pa-ri. Ảnh tư liệu
Đồng chí Xuân Thủy (hàng đầu, bên phải) và đồng chí Lê Đức Thọ họp báo tại Hội nghị Pa-ri. Ảnh tư liệu

Ngoại giao nước ta thời đại Hồ Chí Minh, nhất là thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, thật sự rạng rỡ bởi những gương mặt sáng chói, lớp học trò của Bác Hồ được đào luyện theo tư tưởng và phong cách của Người. Xuân Thủy là một trong những gương mặt ấy.

Với Hội nghị Pa-ri về Việt Nam (1968-1973), từ những trang nhật ký, bài viết và bài nói để lại, Xuân Thủy đã phác họa một bức tranh nhiều mầu sắc về cuộc đàm phán lịch sử này. Qua đó, ta thấy ông và những nhà đàm phán của ta hồi đó đã làm sáng đẹp thêm phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh như thế nào.

Đầu tháng 5-1968, Xuân Thủy nhận được quyết định đi Pa-ri dự Hội nghị, với tư cách Bộ trưởng, Trưởng Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong lòng ông dậy lên biết bao suy nghĩ. Một mặt trận chiến đấu mới đã mở ra: Mặt trận ngoại giao mà Hội nghị Pa-ri là tiêu điểm sẽ phối hợp cùng hai mặt trận quân sự và chính trị trong nước tạo ra thế và lực mới để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng.

Ông nghĩ đến lời dạy của Bác Hồ “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Làm ngoại giao phải tuân thủ nghiêm ngặt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương. Nhưng là “tướng quân tại ngoại”, lại cần hết sức chủ động, linh hoạt trong kế sách và phương pháp hành xử.

Bài viết này không nhằm đề cập bản lĩnh, tài năng và thành công ngoại giao của Xuân Thủy. Chỉ xin nêu lên vài mẩu chuyện sống động để nói về tài đối đáp và phong thái ung dung của nhà đàm phán (1).

Chuyện đấu lý: Ai xâm lược? Ai ngoan cố?

Ai bù nhìn tay sai?

Tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị hai bên (13-5-1968), Xuân Thủy mạnh mẽ lên án: “Mỹ vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, xâm lược, gây chiến tranh ở hai miền Việt Nam”. Harriman, Trưởng đoàn Hoa Kỳ, đáp lại: “Miền Bắc xâm lược miền Nam. Còn Mỹ vì hòa bình, vì tự do, vì giúp miền Nam chống xâm lược mà đã đến Việt Nam”. Cuộc đấu lý ai xâm lược, ai chống xâm lược kéo dài như không có hồi kết. Mặc dù bị đuối lý, Mỹ vẫn ngoan cố không chịu chấm dứt ném bom miền Bắc. Mấy tháng sau trả lời nhà bình luận Thời báo New York, hỏi vì sao đàm phán kéo dài, Xuân Thủy nói: “Vì phía Chính phủ Mỹ ngoan cố!”. Nhà báo Mỹ: “Chúng tôi xem ra phía các ngài cũng không kém!”. Xuân Thủy cười: “Tùy cách hiểu của mỗi người. Cách hiểu đúng của chúng tôi là: Nếu Quân đội nhân dân Việt Nam đến đánh chiếm nước Mỹ, nhân dân Mỹ đòi chúng tôi rút đi mà chúng tôi không rút. Như vậy các ông bảo chúng tôi ngoan cố là đúng. Khốn nỗi, đằng này Chính phủ Mỹ đến xâm lược nước chúng tôi. Chúng tôi đòi Mỹ, trước hết phải chấm dứt vô điều kiện ném bom miền Bắc… mà Mỹ không chịu thì Mỹ là ngoan cố chứ còn gì nữa”.

Tại những phiên họp đầu của Hội nghị bốn bên (tháng 1-1969), cuộc đấu lý về vấn đề ai xâm lược, ai chống xâm lược lại một lần nữa nổ ra gay gắt. Hai trưởng đoàn đàm phán của ta đều chung một tiếng nói: Mỹ là kẻ xâm lược. Chính quyền Sài Gòn là do Mỹ dựng lên. Người đại diện chân chính của nhân dân miền Nam chống xâm lược không ai khác là Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Mỹ lẩn tránh tranh luận vấn đề này. Trưởng đoàn chính quyền Sài Gòn thì phản ứng dữ dội, vừa nhai lại luận điệu chống cộng, xuyên tạc chế độ miền Bắc, khoe chế độ Sài Gòn là dân chủ, tốt đẹp, vừa phản đối phía ta dùng lời lẽ bất nhã như gọi họ là bù nhìn, bán nước. Xuân Thủy đáp lại: Tôi còn nhớ cách đây hơn một tháng, trong lúc chính quyền Sài Gòn không cử đại biểu đến Pa-ri, có chính khách Mỹ đã nói: “Cái đuôi con chó không vẫy nổi con chó”. Sao không thấy các vị có phản ứng gì về câu nói đó? Trưởng đoàn Sài Gòn bào chữa: Ngoài những nước cộng sản, không ai nói Mỹ là xâm lược Nam Việt Nam. Xuân Thủy hỏi: Những thượng nghị sĩ Mỹ đã chỉ trích chính sách xâm lược của Mỹ có phải là cộng sản không?

Chuyện “hạ nốc ao” bốn đối thủ Hoa Kỳ

Trong 5 năm Hội nghị Pa-ri, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ có duy nhất một trưởng đoàn đàm phán là Xuân Thủy. Trong khi đó, phía Mỹ liên tiếp bốn lần thay đổi trưởng đoàn, bắt đầu là Harriman, đến Cabot Lodge, rồi David Buce và William Porter. Vị nào cũng được phía Mỹ tâng bốc đến tận mây xanh. Thí dụ: Harriman là nhà ngoại giao lão thành trên 70 tuổi, từng là đại sứ Mỹ ở Liên Xô, người thân cận của Tổng thống Truman, đã tham gia Hội nghị Posdam và nhiều hội nghị quốc tế khác. Cabot Lodge là cố vấn riêng của Tổng thống Eisenhower, từng là đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, người am hiểu tình hình, hiểu công việc, rất xứng đáng là đối thủ của Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri.

Tuy nhiên, qua quá trình đàm phán, báo giới Pháp và các nước thời bấy giờ đều cho rằng Xuân Thủy đã lần lượt “hạ nốc ao” cả bốn đối thủ Hoa Kỳ. Nói cho công bằng, ngoài việc đấu lý cực kỳ quyết liệt giữa hai bên, Xuân Thủy, với phong cách đặc biệt Việt Nam, đã tỏ rõ là một con người rất lịch sự biết tôn trọng người đối thoại với mình, và ngược lại, được đối thủ rất nể trọng.

Kết thúc Hội nghị hai bên, biết không bao giờ gặp lại, Harriman đã tặng Xuân Thủy một tập sách thơ tiếng Anh nhan đề là Nhân quyền với dòng viết tay ở trang đầu: “Kính tặng Bộ trưởng Xuân Thủy, nhà thơ, Pa-ri tháng 10-1968”. Trước đó, Xuân Thủy cũng đã thân tình tặng Harriman một tập sách về văn học Việt Nam.

Sau này, tại Hội nghị bốn bên, qua các phiên họp trong đàm phán mật, Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ Kissinger, cũng tỏ lòng nể trọng Xuân Thủy về thái độ kiên quyết, lập trường không lay chuyển nhưng đối đáp thông minh, lịch thiệp, tuy có lần đã nói: “Chúng tôi không may gặp các ông là đối phương, chứ nếu được lựa chọn thì chúng tôi sẽ lựa chọn đối phương dễ tính hơn”.

Chuyện viết văn đàm phán và làm thơ

Xuân Thủy nói năng hay, đối đáp giỏi, ứng khẩu thành chương. Nhưng đối với các bài phát biểu chuẩn bị sẵn của Trưởng đoàn trong mỗi phiên họp thì ông rất cẩn trọng. Ông chỉ đạo bộ phận biên soạn phương hướng, nội dung của từng bài viết, rồi lại đích thân sửa chữa các bản dự thảo. Đòi hỏi bài viết phải nêu bật chủ đề, trọng tâm; viết có lý, có lẽ, có tính thuyết phục. Nói không chỉ cho đối phương nghe mà còn nhằm truyền bá trong dư luận rộng rãi để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ.

Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã học tập cách làm ấy. Chỉ có điều là chưa có kinh nghiệm cho nên bài nào cũng đưa ra lãnh đạo Đoàn thảo luận tập thể. Chín người mười ý. Có khi một câu, một chữ dùng, người này khen hay, người khác lại chê, hay ngược lại. Phải sửa đi sửa lại nhiều lần, rất tốn thời gian và công sức. Là người phụ trách việc biên soạn các bài phát biểu chuẩn bị sẵn của Trưởng đoàn miền Nam, có lần tôi đem câu chuyện viết lách đó nói với Bộ trưởng Xuân Thủy mong được giãi bày khúc mắc của mình. Anh Xuân (tức Xuân Thủy) mỉm cười ý nhị. Anh không “đả thông” gì mà chỉ đọc cho nghe mấy câu thơ trong một lá thư của anh gửi Sóng Hồng (tức đồng chí Trường Chinh) trước đó.

Cái nghiệp văn chương vốn thế thôi

Viết đi viết lại vẫn chưa rồi

Người giao anh viết:

Anh là thánh

Anh viết người chê:

dốt nhất đời

Sóng Hồng họa lại:

Đấu lý bao giờ cũng thế thôi

Nói đi nói lại vẫn chưa rồi

Chiến trường ta diệt thêm nhiều địch

Đế quốc rồi đây sẽ hết đời

Ít tháng sau, Sóng Hồng lại có thơ tặng anh:

Mỗi tuần một trận đấu gay go

Mấy tháng chưa xong một ván cờ

Nắm vững phương châm giành thắng lợi

Ung dung anh vẫn dạo vườn thơ

Đúng là trong bộn bề công việc đàm phán, Xuân Thủy vẫn dành một khoảng riêng cho Vườn thơ anh nở rộ.

Ngay sau khi Mỹ tuyên bố chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán bốn bên, anh viết bài thơ Niềm vui chiến thắng, qua đó, trang trải lòng mình với miền Nam yêu thương và thiết tha nghe tiếng vọng từ chiến trường:

Em biết anh đi mới nửa đường

Nửa đường còn lại lắm phong sương

Nhưng em đã chắc ngày sum họp

Nắng ấm trời Nam tỏa bốn phương!

Pa-ri, 11-1968

Tháng 9-2017

(1) Những mẩu chuyện và vần thơ trong bài này đều trích từ tập sách “Xuân Thủy, nhà hoạt động chính trị, ngoại giao xuất sắc, nhà báo, nhà thơ lớn”, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012.