Những viên "kẹo thầy Ðà"

NDO -

Tình nguyện về vùng khó khăn nhất của huyện Mường Nhé, vượt qua bao gian khổ, thầy giáo Ðỗ Văn Ðà đã giúp nhiều trẻ em "no" cái chữ, sáng lòng. Ở giữa vùng đất khó, thầy giáo trẻ vẫn đang ngày ngày gắng sức cùng đồng nghiệp nuôi dưỡng niềm hy vọng, mở hướng cho thế hệ tương lai.

Kẹo là thứ xa xỉ với không ít học trò vùng cao. Thầy Ðà dùng những viên kẹo nhỏ làm thứ vừa "dỗ", vừa dạy cho học trò "biết yêu cái chữ".
Kẹo là thứ xa xỉ với không ít học trò vùng cao. Thầy Ðà dùng những viên kẹo nhỏ làm thứ vừa "dỗ", vừa dạy cho học trò "biết yêu cái chữ".

"Dỗ" học trò đến lớp

Tốt nghiệp đại học, tháng 8-2002, người con "quê lúa" Thái Bình ấy tình nguyện về dạy học ở xã Sín Thầu (Mường Nhé, Ðiện Biên). Khi đó, Sín Thầu chỉ có đường mòn. Khỏi phải nói điều kiện giảng dạy ở đây khó khăn như thế nào. Mỗi lần mưa to gió lớn, những nếp nhà tạm bợ ghép từ phên, nứa, mái tranh dùng làm lớp học và nhà ở của giáo viên lại run rẩy, quằn quại. Không ít lần các thầy cô và bà con thôn bản phải góp công dựng lại.

Thế nhưng, điều kiện vật chất nghèo nàn chưa phải là điều mà các thầy cô "cắm bản" "ngán" nhất, mà chuyện học sinh bỏ học, chán học, người dân không thích cho con đi học mới là vấn đề. Nhiều khi, đã quá giờ vào lớp nửa tiếng mà phòng học chỉ có vài học sinh. Thầy Ðà cùng một số em đi tìm, vẫn thấy những đứa trẻ nhảy ùm ùm tắm suối, vớt cá, bắt cua... Khi đưa được các em về lớp thì thời gian của buổi học cũng gần hết. "Có lúc chán, tôi định bỏ về xuôi, nhưng tôi đã học được tính nhẫn nại từ bố. Bố tôi là bộ đội phục viên, ông luôn dạy tôi phải sống và làm được việc gì đó có ý nghĩa cho đời. Tôi học bố, học những thầy cô "cắm bản" khác mà quyết tâm ở lại", thầy Ðà chia sẻ.

Nghĩ là làm, ngoài thời gian giảng dạy, thầy Ðà vẫn tiếp tục bố trí thời gian, cùng với cán bộ xã đi tuyên truyền, vận động các gia đình cho con đi học. Rồi phải dỗ dành học trò, mua kẹo cho chúng, mong chúng đến lớp đầy đủ.

Ðó là một quá trình vô cùng gian nan. Lần này qua lần khác, thầy luôn nhắc nhở các em tầm quan trọng của việc học, kể về những tấm gương do học mà trở nên giỏi giang. Nhận thấy việc làm này cần phải thường xuyên, liên tục, thầy Ðà đã vận động các đồng nghiệp hành động tích cực hơn nữa. Thầy bày tỏ: "Dân cư trong vùng ngày đó thưa thớt, ở không đều, có khi vì ngại xa, bố mẹ bắt con ở nhà luôn và thành ra mù chữ. "Ðánh" vào tâm lý của phụ huynh chỉ là một mặt, mặt khác, phải tác động trực tiếp vào sở thích của học trò, từ đó uốn nắn dần để các em tự giác, học nghiêm túc hơn".

Chưa hết thử thách

Năm 2006, Trường THCS xã Chung Chải được thành lập, cách Trường THCS Sín Thầu 36 cây số đường rừng. Năm 2007, thầy Ðà là một trong những giáo viên phải thuyên chuyển, đến xây dựng cơ sở mới. Năm đó, đa số các thầy cô không được nghỉ hè, mà cùng ở lại dựng thêm lán làm trường, đồng thời thường xuyên phải lội bộ đi vận động nhân dân "giúp một tay". Cơ sở vật chất... "toàn tạm", nhưng cũng đủ để các thầy hy vọng: Ðó sẽ là nơi giúp các học trò tiếp cận với kiến thức. "Anh em chúng tôi phải đóng góp, ứng tiền ra để thuê máy ủi, mua vật liệu về làm. Lúc đó, dựng cả một cái trường mà chỉ bằng tiền mua một chiếc xe máy Trung Quốc đồng chí ạ! Chuyển nơi ở mới, vợ tôi cũng chuyển đến đất mới cùng chồng. Lớp học tạm, nhà của giáo viên cũng tạm. Lúc đầu, nhiều giáo viên phải nằm "úp thìa" vì thiếu chỗ nghỉ ngơi. Nhưng, anh em đều bảo ban nhau khắc phục khó khăn. Ðến nay thì cơ sở vật chất Trường Chung Chải đã khá hơn rất nhiều rồi, có nhà nội trú cho học sinh!", thầy Ðà tâm sự.

Cũng năm 2007, thầy Ðà được phân công làm Hiệu trưởng nhà trường, và được kết nạp Ðảng. Ðây là một thử thách lớn đối với một giáo viên trẻ nhiều tâm huyết. Trường mới, cương vị mới và công việc vẫn khó khăn, vất vả, nhưng thầy vẫn mang bên mình một tâm niệm: Tất cả vì học sinh thân yêu. Trọng trách nặng nề, trong khi nhiều học sinh "lơ tơ mơ" không tha thiết đến trường, thầy Ðà tiếp tục dùng phương pháp cũ, vừa dạy vừa "dỗ" học trò, đồng thời kết hợp cùng cán bộ xã vận động bà con quan tâm hơn đến việc học của con em mình. Hỏi: "Có bao giờ anh nản vì công việc nhiều áp lực?". Trả lời: "Nếu nản thì tôi đã không còn ở mảnh đất này. Như đã tâm sự, nếu không có quyết tâm, làm gì cũng hời hợt, chóng chán thì tôi đã không còn là tôi".

Là một cán bộ quản lý gương mẫu, thầy Ðà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thường xuyên kiểm tra dự giờ thăm lớp, đánh giá xếp loại trung thực, khách quan đối với từng giáo viên nhằm bảo đảm tính công bằng. Từ đó, thầy có biện pháp giúp đỡ - bồi dưỡng giáo viên. Trong công tác sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề, bồi dưỡng phương pháp nghiệp vụ sư phạm, thầy cũng chỉ đạo sát sao. Vì thế, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao.

Năm 2012, thầy Ðà tham khảo ý kiến cấp trên, phát động phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn trường. Theo đó, mục tiêu được đưa ra: "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức - Tự học tự sáng tạo, ý thức học hỏi, bồi dưỡng chuyên môn". 

Học tập tấm gương Bác Hồ, thầy Ðà luôn luôn ý thức cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể, hết lòng đôn đốc, tạo mối đoàn kết trong nhà trường, hết sức giảng dạy giúp các em học sinh đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Với những nỗ lực của thầy Ðà, nhà trường đã phát triển từng ngày, số lượng học sinh khá giỏi được nâng lên. Thầy cũng được tặng nhiều bằng khen của ngành giáo dục huyện Mường Nhé và tỉnh Ðiện Biên. Vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, chắc chắn, thầy Ðà vẫn chưa ngừng nỗ lực, để còn tiếp tục tặng học trò những viên kẹo ngọt chứa đầy mơ ước tương lai...