Giám sát là một trong những chức năng cơ bản của Hội đồng nhân dân nhằm bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo và tăng cường hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng đi vào hiệu quả, thực chất, bám sát thực tiễn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh ở địa phương, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Phóng viên Báo Nhân Dân thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân” gồm 3 bài viết, nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc nâng cao chất lượng giám sát của Hội đồng nhân dân; những chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân kể từ sau khi Nghị quyết 594 được ban hành. Đồng thời, đề cập những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ vướng mắc để đưa công tác giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng đi vào nền nếp, hiệu lực, hiệu quả hơn.

Bài 3:

THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, NÂNG CAO HƠN NỮA CHẤT LƯỢNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Thời gian qua, chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đã được cải thiện rõ rệt với nhiều kết quả quan trọng; tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế đòi hỏi phải có giải pháp thiết thực để tháo gỡ nhằm đưa công tác giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng đi vào nền nếp, hiệu lực, hiệu quả hơn.

Còn tâm lý “cả nể”, “e ngại” trong quá trình giám sát

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, cùng với việc đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thực hiện các quy định của pháp luật, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước tăng lên về số lượng và nâng cao chất lượng; đổi mới phương thức tổ chức hoạt động giám sát theo hướng lựa chọn, tập trung vào những vấn đề cấp thiết của địa phương…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bà Thanh cũng cho rằng, cần phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp như việc giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít; việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát còn rất hạn chế; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện cam kết, kết luận chưa thường xuyên.

Ngoài ra, hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân chưa nhiều, kết quả hoạt động chưa đồng đều…

Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Hội đồng nhân dân có thể triển khai, tổ chức các hình thức giám sát khác nhau nhằm thực hiện tốt và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Tham gia ý kiến thảo luận tại Hội thảo “Thực tiễn cơ chế thực thi pháp luật hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân” do Ban Công tác đại biểu và Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp tổ chức mới đây, các đại biểu nhấn mạnh, giám sát là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng nhân dân đã được Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định.

Việc thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân có ý nghĩa quan trọng, tạo ra những chuyển biến tích cực sau hoạt động giám sát, bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, trong cơ chế thực thi pháp luật đối với các phương thức giám sát cụ thể vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Ái Vân chỉ rõ, Luật Hoạt động giám sát quy định thẩm quyền giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân khá cụ thể, song trên thực tế, một bộ phận đại biểu chưa phát huy hết trách nhiệm, vai trò của mình.

So với các nhiệm kỳ trước, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2016-2021 và 2021-2026 có tăng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc ngày càng cao của Hội đồng nhân dân.

Phần lớn đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động kiêm nhiệm và giữ cương vị lãnh đạo tại các đơn vị, địa phương nên điều kiện tham gia vào hoạt động giám sát gặp khó khăn, bên cạnh đó, cũng không thể tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, có tâm lý nể nang, ngại va chạm, chưa tích cực trong thực hiện nhiệm vụ đại biểu, nhất là hoạt động giám sát, chất vấn.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam Bùi Văn Hoàng nhấn mạnh, hoạt động này còn thiếu những quy định cụ thể về quyền hạn của các cơ quan, tổ chức cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng được giám sát, thành viên Đoàn giám sát; việc thu thập thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát của các thành viên ban Hội đồng nhân dân tỉnh còn hạn chế, tính độc lập của thông tin chưa cao, chủ yếu thông qua các báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát…

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, nhiều nội dung kiến nghị sau giám sát của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh chưa được giải quyết trong thời gian dài. Nhưng công tác theo dõi, đôn đốc chưa kịp thời, nhất là những nội dung xuyên suốt nhiều kỳ họp chưa được trả lời, giải quyết dứt điểm, nên ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát;..

Tập trung cao độ sửa đổi hệ thống pháp luật về hoạt động giám sát

Trên cơ sở phân tích những bất cập, hạn chế, các đại biểu khẳng định, trước đòi hỏi ngày càng đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan để hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân thực sự xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Bà Xuân cho biết, qua 7 năm tổ chức triển khai thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cho thấy, các quy định của Luật đã tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ và toàn diện phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, góp phần đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng hoạt động giám sát thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân. Cụ thể, hoạt động giám sát có nội dung chưa gắn kết chặt chẽ với hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

Hoạt động giám sát có nội dung chưa gắn kết chặt chẽ với hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; một số hoạt động giám sát đã được quy định nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả; một số hoạt động giám sát chưa có hướng dẫn chi tiết dẫn tới còn khó khăn trong tổ chức thực hiện…

Do đó, bà Xuân nhấn mạnh, để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật thời gian qua, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là thực sự cần thiết.

Trên cơ sở đánh giá sơ bộ kết quả đạt được, cũng như những bất cập, hạn chế qua 7 năm thi hành luật, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung một số chính sách nêu trong đề nghị xây dựng luật như: hoàn thiện các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát; hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn hoạt động giám sát; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng, quản lý, bảo quản, xử lý thông tin từ các tài liệu, dữ liệu, hoạt động giám sát có liên quan…

Cần chế tài bảo đảm thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị sau giám sát

Về những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động giám sát của cơ quan dân cử địa phương, nhiều đại biểu Quốc hội cũng có chung ý kiến cho rằng, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 vẫn chưa cụ thể hóa các quy định về bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Trong đó, việc thiếu các chế tài đủ mạnh để thực hiện đang là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân chưa được như kỳ vọng.

Việc thiếu các chế tài đủ mạnh để bảo đảm thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát đang là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân chưa được như kỳ vọng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, trong tổ chức hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, quan trọng nhất là sau cuộc giám sát có kết luận của Đoàn giám sát, chỉ ra những ưu điểm, nhược điểm, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân và chính sách, pháp luật nói chung.

Đại biểu nhấn mạnh cần phải cụ thể hóa các quy định về cơ chế tái giám sát, kiểm tra lại xem các cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát đã thực hiện kết luận giám sát ra sao. “Nếu chỉ thực hiện giám sát, ban hành kết luận, sau đó không có tái giám sát thì hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giám sát sẽ không được như mong muốn”, đại biểu Nga chỉ rõ.

Cần cụ thể hóa quy định về cơ chế giám sát sau giám sát.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga

Tán thành với quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) cho rằng, việc thiếu các quy định, chế tài hữu hiệu đảm bảo việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát đang là vướng mắc hiện nay trong công tác giám sát không chỉ của Hội đồng Nhân dân mà cả trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Nhấn mạnh nếu hoạt động giám sát chỉ dừng lại ở kiến nghị, yêu cầu mà không có các chế tài cụ thể bảo đảm thực hiện nghiêm các kiến nghị sau giám sát thì hiệu quả mang lại sẽ không được như kỳ vọng, đại biểu Cầm đề nghị, cần có nghiên cứu, đánh giá và đề xuất việc bổ sung quy định rõ ràng các chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện chậm, muộn các kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân.

Quy định rõ chế tài xử lý đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện chậm, muộn các kiến nghị sau giám sát.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm

Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí cho rằng, cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi sau giám sát, bởi đây là khâu cuối cùng và rất quan trọng, là cơ sở đánh giá hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giám sát.

Cùng với kiến nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có hoạt động giám sát, nữ đại biểu đoàn Điện Biên kiến nghị Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục chú trọng việc công khai kết quả giám sát nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động giám sát.

Tiếp tục chú trọng việc công khai kết quả giám sát nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động giám sát.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên

Theo đại biểu Yên, đây cũng chính là chế tài mạnh nhất đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát phải thực thi kiến nghị sau giám sát, “lời hứa” của người được chất vấn một cách nghiêm túc, hiệu quả vì không chỉ đại biểu Hội đồng nhân dân mà cử tri sẽ cùng theo dõi, giám sát việc thực hiện “lời hứa”, kiến nghị sau giám sát này.

Ngày xuất bản: 4/12/2023
Tổ chức thực hiện: Trường Sơn
Thực hiện: Văn Toản - Uyển Hương - Trọng Trung
Ảnh: Báo Nhân Dân, Quochoi.vn