Những điểm nhấn trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh

Bài 3: Tháo gỡ vướng mắc, cụ thể hóa mục tiêu

Bên cạnh những kết quả bước đầu, thực tế triển khai cho thấy, quá trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội vẫn còn chậm, thiếu đồng bộ. Nhiều dự án, đề án sau nhiều năm vẫn dừng trên giấy hoặc mới đang là dự thảo. Chất lượng các dịch vụ, ứng dụng thông minh còn nhiều vấn đề cần khắc phục, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu… Ðiều này đòi hỏi thành phố cần có sự đầu tư, triển khai đồng bộ, bài bản và nhanh chóng hơn nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Bài 3: Tháo gỡ vướng mắc, cụ thể hóa mục tiêu

(Tiếp theo và hết) (*)

Ðể có thể đưa các ứng dụng khoa học-công nghệ vào xây dựng chính quyền điện tử, bên cạnh giải pháp về công nghệ, thành phố cần phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng được yêu cầu.

Bất cập

Hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ xây dựng chính quyền điện tử còn thiếu thốn. Trong khi tất cả thủ tục hành chính của thành phố đã được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" thì tại 39 đơn vị, trong đó có Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện Ðông Anh và một số xã thuộc các huyện: Mê Linh, Thanh Oai, Ba Vì, Sóc Sơn, Ứng Hòa..., hai công chức vẫn đang phải dùng chung một máy tính. Tương tự, 60 bộ phận "một cửa" chưa có máy quét (scan) và 400 bộ phận chưa có thiết bị lấy số tự động phục vụ người dân khi đến giao dịch. Mặt khác, chất lượng và khả năng vận hành của máy tính nhiều cơ quan, đơn vị đã xuống cấp, thường xuyên gặp lỗi hoặc tốc độ chậm khi kết nối vào các hệ thống phần mềm…

Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo và triển khai nhiều phần mềm, ứng dụng thông minh. Tuy nhiên, nhiều ứng dụng gặp lỗi, sự cố trong quá trình vận hành. Thí dụ, sau thời gian thí điểm, mô hình trông giữ xe qua điện thoại di động (iParking) đã tạm dừng. Dự án thí điểm vé điện tử trên tuyến buýt nhanh BRT sau 10 tháng triển khai cũng khép lại, do không thu hút được người dùng. Hay như ứng dụng SmartCity cung cấp nhiều tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, sổ liên lạc điện tử, đăng ký tuyển sinh, thanh toán học phí, tra cứu điểm thi, đặt lịch khám, chữa bệnh, tra cứu các thông tin cần thiết và thanh toán hóa đơn... Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, nhiều người cho biết, họ không tải được file, tốc độ xử lý chậm, không nhận được mã OTP...

Ðể tạo những đột phá trong bước tiến về khoa học, công nghệ thông tin, thành phố Hà Nội đã quy hoạch nhiều dự án đô thị thông minh, khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm... Tuy nhiên đến nay, cả thành phố mới chỉ có khu công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy - khu công nghiệp công nghệ thông tin đầu tiên của Hà Nội hoạt động nhưng quy mô rất nhỏ. Dự án Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội với diện tích 32,14ha tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên được triển khai từ hơn 10 năm trước, đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống quây tôn. Dự án Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm tại huyện Ðông Anh với tổng diện tích hơn 78ha, nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội, xây dựng các khu nghiên cứu, phát triển dịch vụ, sản phẩm công nghệ cao, kế hoạch khởi công năm 2018 và đi vào hoạt động năm 2022, nhưng đến nay cũng chưa triển khai…

Kiên trì theo đuổi mục tiêu

Theo Quyết định phê duyệt Ðề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/8/2018, thành phố Hà Nội được định hướng là hạt nhân để hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh. Như vậy, việc trở thành một thành phố thông minh không chỉ là mục tiêu của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô mà còn là kỳ vọng, mục tiêu của cả nước.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ, Sở đang tiếp tục hoàn thiện để trình thành phố ban hành Ðề án "Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", đồng thời, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành "Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025"... Với những kế hoạch, đề án này, Hà Nội đặt mục tiêu nhanh chóng hoàn thành xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, để thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, hiện đại, một trong những khâu đột phá quan trọng được xác định là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo trong toàn xã hội. Hà Nội cần phát triển thành Trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ của khu vực Ðông Nam Á trong một số lĩnh vực. Thành phố cần tập trung trong các khâu đào tạo nguồn nhân lực, huy động đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học… đóng góp, đồng hành vì sự phát triển Thủ đô.

Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ; tăng cường đầu tư bài bản, đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hỗ trợ cán bộ, công chức, người dân sử dụng công nghệ trong quản lý và xử lý công việc, quản lý và vận hành đô thị. Thành phố cũng cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án khu đô thị thông minh, dự án Thành phố thông minh ở huyện Ðông Anh, các khu công nghiệp, công viên phần mềm…

Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu, công tác triển khai toàn bộ nền tảng Chính quyền số phải thông suốt theo kiến trúc tổng thể để bảo đảm hiệu quả đầu tư; hệ thống nền tảng dùng chung bảo đảm tích hợp các yêu cầu chuyên môn của các đơn vị. Tinh thần và giải pháp trong công tác chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh phải được thể hiện trong các kế hoạch, được cụ thể hóa triển khai trong thực tế.

Thành ủy Hà Nội xác định mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ hình thành, phát triển một số khu đô thị thông minh trên địa bàn, từng bước phát triển các lĩnh vực thông minh quan trọng, hướng tới xây dựng Hà Nội là thành phố thông minh. Thành phố cần nêu cao quyết tâm chính trị và những bước đi mạnh dạn, bài bản, khoa học hơn để xứng tầm vị trí thành phố thông minh trong khu vực và trên thế giới.
-------------------
(*) Xem trang Hà Nội từ số ra ngày 30/9 và 4/10/2022.