VÌ ĐÂU
NÊN NỖI?

 

Việc “chung cư mi-ni”, nhà ở nhiều căn hộ thi nhau mọc lên ở những khu đất nhỏ hẹp, không bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, nhưng vẫn thu hút nhiều người thuê, mua cho thấy tình trạng thiếu chỗ ở an toàn cho sinh viên, người lao động tại các thành phố lớn. Nếu không có giải pháp khắc phục tình trạng này thì tính mạng của người lao động còn bị đe dọa bởi những hiểm họa khôn lường có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trong đó cháy, nổ là một nguy cơ.

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 2.000 “chung cư mi-ni” và hàng nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, tập trung nhiều nhất tại các quận Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Cầu Giấy… Với ưu thế ở gần trung tâm thành phố, giá cho thuê thấp hơn so với các loại hình nhà ở khác, cho nên “chung cư mi-ni”, nhà trọ phát triển nở rộ khoảng hơn mười năm qua, giải quyết nhu cầu chỗ ở của những người lao động có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên xa nhà.

LỰA CHỌN VÌ HỢP TÚI TIỀN

Phần lớn “chung cư mi-ni”, nhà trọ được xây dựng trên các thửa đất nằm sâu trong các ngõ, ngách nhỏ hẹp, giữa khu vực đông dân cư, cách xa vị trí phương tiện cứu hỏa có thể tiếp cận được. Để tăng lợi nhuận, các chủ đầu tư thường xây dựng vượt tầng cho phép, sai mật độ xây dựng, cơi nới, lấn chiếm không gian chung để tăng diện tích sử dụng và thay đổi công năng sử dụng từ nhà ở riêng lẻ sang nhà cho thuê, bán, không bảo đảm các quy chuẩn về an toàn phòng, chống cháy nổ. Nhiều căn hộ, tòa nhà đã đưa vào sử dụng nhiều năm, nhưng trong suốt quá trình vận hành không được bảo trì, bảo dưỡng, thay thế trang, thiết bị, dẫn đến nguy cơ cháy, nổ rất cao. Tuy nhiên, do bức bách về chỗ ở, không ít người dân vẫn lựa chọn thuê, mua căn hộ tại “chung cư mi-ni”.

Anh Nguyễn Văn Long, quê tỉnh Nam Định, đang thuê phòng tại “chung cư mi-ni” ở ngõ 83 Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, năm 2016, sau khi tốt nghiệp đại học, anh lập nghiệp tại Hà Nội. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, anh và bạn thuê chung phòng trọ cấp bốn ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Đến khi tiết kiệm được gần 200 triệu đồng để mua nhà thì đại dịch Covid-19 kéo đến khiến công việc bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sút, số tiền để mua nhà cũng vơi dần. Đến giữa năm 2022, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh tiếp tục thuê một căn hộ trong tòa “chung cư mi-ni”, với mức giá 4 triệu đồng/tháng. Mặc dù chi phí tiền thuê nhà cao, chiếm khoảng 1/3 thu nhập của hai vợ chồng, nhưng anh Long không còn lựa chọn khác.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, số lượng nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê còn lớn hơn con số này của Hà Nội nhiều lần. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 42.256 nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê. Anh Nguyễn Danh Tài, quê Nghệ An vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp đã hơn 10 năm nay. Anh hiện đang làm thợ cơ khí với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, dù mong có nơi “an cư lạc nghiệp” nhưng việc sở hữu một căn nhà, căn hộ ở thành phố là điều xa xỉ. Anh chấp nhận thuê một phòng trọ với giá 2,5 triệu đồng/tháng trong một hẻm nhỏ trên địa bàn quận Bình Thạnh. Xét về độ an toàn và các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy thì anh chưa an tâm khi lối vào khu trọ nhỏ đến mức hai xe máy đi ngược chiều khó tránh nhau; khu vực để xe ở dưới tầng trệt, nhưng nếu chuyển chỗ trọ đồng nghĩa với việc anh phải “gánh” thêm khoản tiền thuê cao hơn. Điều này nằm ngoài khả năng so với thu nhập hiện tại của anh.

Một khu “chung cư mi-ni” cao tầng tại khu đông cư ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Viết Chung

Một khu “chung cư mi-ni” cao tầng tại khu đông cư ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Viết Chung

Lồng sắt quây kín mít mặt sau của khu “chung cư mi-ni” tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Viết Chung

Lồng sắt quây kín mít mặt sau của khu “chung cư mi-ni” tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Viết Chung

Một khu “chung cư mi-ni” cao tầng nằm trong khu đông dân cư tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh Viết Chung

Một khu “chung cư mi-ni” cao tầng nằm trong khu đông dân cư tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh Viết Chung

NHÀ Ở XÃ HỘI CHƯA ĐÁP ỨNG NHU CẦU

Giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đã xây dựng được 224,73 triệu m2 sàn nhà ở, tăng thêm 49,67 triệu m2 so với năm 2016, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, chỉ có nhà ở thương mại vượt mục tiêu đề ra, nhà ở riêng lẻ cũng tăng nhanh, trong khi đó, nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên chỉ đạt 1,25 triệu m2 sàn, chỉ đạt 20% so với mục tiêu phát triển 6,22 triệu m2 sàn.

Giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt kế hoạch phát triển hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; chuẩn bị đầu tư từ một đến hai khu nhà ở xã hội tập trung, nhưng tiến độ rất chậm trễ. Các dự án nhà ở xã hội mở bán rất ít. Hình ảnh hàng nghìn người xếp hàng qua đêm để được bốc thăm quyền mua căn hộ tại dự án nhà ở xã hội ở Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) tháng 5/2023 cho thấy nhu cầu loại hình nhà ở này rất cao, trong khi nguồn cung còn hạn chế.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết cũng cho biết: Giai đoạn 2016-2020, lượng nhà ở xã hội chỉ tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn với 14.954 căn. Qua khảo sát 96 nghìn người lao động ở 212 doanh nghiệp thì có đến 54 nghìn lao động có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội ở thành phố, song đến nay, thành phố chỉ mới đáp ứng được chưa đến 5% chỗ ở cho người lao động.

Một áp lực nữa đối với thành phố Hà Nội trong việc giải quyết chỗ ở cho người dân là tiến độ di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô quá chậm trễ. Trên địa bàn Hà Nội có 96 trường đại học, cao đẳng, trong đó riêng bốn quận nội thành (cũ) tập trung 26 trường, với khoảng 100 nghìn sinh viên và số lượng này vẫn tiếp tục gia tăng hằng năm.

Trong khi đó, số lượng ký túc xá của các trường rất thiếu do quỹ đất hạn hẹp, buộc sinh viên phải tự thuê nhà trọ do người dân đầu tư xây dựng. Sau khi tốt nghiệp, khoảng hơn một nửa sinh viên lại tiếp tục ở lại Thủ đô để lập nghiệp. Đây là nguồn nhân lực có chất lượng đóng góp cho Thủ đô, nhưng cũng tạo thêm sức ép rất lớn lên hệ thống hạ tầng của thành phố, nhất là chỗ ở.

Để giảm áp lực dân số gây quá tải về hạ tầng trong nội đô, từ hơn mười năm trước, thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng đã đề xuất di dời 12 trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô, nhưng đến nay mới chỉ có một trường được di dời, 11 trường còn lại vẫn ở nguyên vị trí cũ.

Một số hộ dân ở lô A chung cư Nguyễn Thiện Thuật, quận 3 chiếm dụng hành lang cầu thang bộ để đặt các dụng cụ nấu ăn, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Ảnh: THẾ ANH

Một số hộ dân ở lô A chung cư Nguyễn Thiện Thuật, quận 3 chiếm dụng hành lang cầu thang bộ để đặt các dụng cụ nấu ăn, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Ảnh: THẾ ANH

Cư dân tại lô B chung cư Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh để xe máy chiếm dụng hành lang đi lại. Ảnh: THẾ ANH

Cư dân tại lô B chung cư Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh để xe máy chiếm dụng hành lang đi lại. Ảnh: THẾ ANH

KHÔNG HỢP THỨC HÓA CHUNG CƯ MI-NI TRONG LUẬT NHÀ Ở

Tại các đô thị lớn, loại hình “chung cư mi-ni” nở rộ, nhưng khái niệm chung cư mi-ni không được đề cập chính thức trong văn bản pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Theo Luật Nhà ở, chỉ có hai loại nhà ở trong đó có nhà ở riêng lẻ, nhà ở liền kề và thứ hai là chung cư. Nhà chung cư được định nghĩa là nhà có từ hai tầng trở lên, trong đó có nhiều căn hộ, phòng ở khép kín, có lối đi hành lang chung, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bao gồm cả hệ thống phòng cháy, chữa cháy.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, với loại hình nhà ở được gọi là “chung cư mi-ni” như hiện nay, do chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật như những chung cư lớn, cho nên đang được quản lý trật tự xây dựng theo kiểu nhà ở riêng lẻ.

Dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mi-ni.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Trong đó, nhà ở riêng lẻ quy mô dưới bảy tầng giao cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm thi công, giám sát công trình. Việc cấp phép nhà ở riêng lẻ cũng như quản lý trật tự xây dựng thuộc trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp.

Từ trường hợp “chung cư mi-ni” ở phố Khương Hạ bị cháy cho thấy, mặc dù chủ đầu tư xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ sáu tầng, nhưng lại xây thành chín tầng và một tum, sau đó bố trí 45 hộ ở như một chung cư, là sai phạm rất lớn và có trách nhiệm của chính quyền cơ sở.

Đại diện Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, đối với loại hình nhà ở của hộ gia đình cá nhân đầu tư, phát triển để cho thuê với số lượng phòng từ 10 đến 30 phòng, Sở Xây dựng đã ban hành văn bản hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân về trình tự đầu tư xây dựng và phải thực hiện theo hướng dẫn của Sở đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

Trong đó quy định, đối với công trình nhà ở cao 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên phải thực hiện thủ tục thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy.

Các công trình còn lại không bắt buộc phải trình thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy, nhưng hồ sơ thiết kế phải bảo đảm yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy theo pháp luật hiện hành.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sáng 20/9, khi cho ý kiến về nội dung liên quan chung cư mi-ni Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án Luật Nhà ở, “dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mi-ni” trong luật này.

Chủ tịch Quốc hội gợi ý, Hà Nội nên có quy định riêng về tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng trong các vấn đề giao thông, môi trường, phòng cháy, chữa cháy khi sửa đổi Luật Thủ đô.

Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc quy định tiêu chuẩn, tiêu chuẩn trong quy hoạch là rất quan trọng, nhất là sau vụ cháy “chung cư mi-ni” tại phố Khương Hạ vừa qua. Tòa nhà này được cấp phép cho xây dựng sáu tầng, nhưng xây dựng tới chín tầng, vi phạm trật tự xây dựng.

Tuy vậy, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tại khu vực này mà cho phép xây dựng sáu tầng cũng là vô cùng bất cập, mà chỉ nên cho xây hai, ba tầng. Đồng chí đề nghị Quốc hội giao cho thành phố quyết định những vấn đề về quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch cụ thể, vào những địa bàn cụ thể nhằm bảo đảm an ninh, an toàn lâu dài.