Giám sát là một trong những chức năng cơ bản của Hội đồng nhân dân nhằm bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo và tăng cường hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng đi vào hiệu quả, thực chất, bám sát thực tiễn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh ở địa phương, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Phóng viên Báo Nhân Dân thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân” gồm 3 bài viết, nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc nâng cao chất lượng giám sát của Hội đồng nhân dân; những chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân kể từ sau khi Nghị quyết 594 được ban hành. Đồng thời, đề cập những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ vướng mắc để đưa công tác giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng đi vào nền nếp, hiệu lực, hiệu quả hơn. 

Bài 1:

NGHỊ QUYẾT SỐ 594/NQ-UBTVQH15: “CẨM NANG” CHUẨN HÓA HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đây được xem là “cẩm nang” hữu ích tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân có cơ sở, chủ động, tích cực, phát huy tốt hơn vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Cùng với đó là trình tự, thủ tục hoạt động chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân; chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân; giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân.

Quy định rõ tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân

Nghị quyết đưa ra tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Theo đó, căn cứ vào chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn đề nghị Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.

Việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn được thực hiện dựa trên một số tiêu chí như: vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của địa phương, được nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri quan tâm; vấn đề có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và các quy định khác của pháp luật.

Các tiêu chí khác là: vấn đề đã được người bị chất vấn trả lời trực tiếp tại kỳ họp Hội đồng nhân dân hoặc trả lời bằng văn bản nhưng đại biểu Hội đồng nhân dân không đồng ý với nội dung trả lời; vấn đề khác nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước hoặc qua khảo sát, giám sát phát hiện hạn chế, bất cập cần được chất vấn để làm rõ và đưa ra những yêu cầu, giải pháp để kịp thời khắc phục.

Việc lựa chọn người bị chất vấn phải phù hợp với nhóm vấn đề chất vấn. Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay. Những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.

Về trình tự chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, Nghị quyết nêu rõ: Hội đồng nhân dân quy định cụ thể về thời gian nêu chất vấn, thời gian trả lời chất vấn, việc điều hành của chủ tọa và quyền tranh luận của đại biểu trong Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc ban hành nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Trường hợp Hội đồng nhân dân quyết định ban hành nghị quyết về chất vấn thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, bộ phận giúp việc của Hội đồng nhân dân cấp xã tổng hợp ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và người bị chất vấn để tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo nghị quyết về chất vấn, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân để trình Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp.

Giám sát những vấn đề bức xúc ở địa phương, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân

Nghị quyết cũng quy định cụ thể tiêu chí để Hội đồng nhân dân lựa chọn chuyên đề giám sát, theo đó tập trung giám sát những vấn đề bức xúc ở địa phương hoặc vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh được cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành chính sách, pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương.

Chuyên đề giám sát được lựa chọn phải bảo đảm không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật khác của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất, trừ các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật cụ thể để giải quyết vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh, các vấn đề cấp thiết khác.

Đồng thời, không trùng nội dung với các chuyên đề giám sát đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp tiến hành giám sát trong khoảng thời gian ít nhất là 2 năm tính đến thời điểm đề xuất, trừ trường hợp giám sát lại nội dung đã được giám sát do đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị giám sát.

Bên cạnh đó, chuyên đề giám sát cũng không được trùng lặp về đối tượng giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên vào cùng thời điểm giám sát giữa Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp, trừ trường hợp giám sát theo đề nghị của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên.

Việc lựa chọn chuyên đề giám sát phải bảo đảm tính toàn diện, sự cân đối và phù hợp giữa các lĩnh vực; cũng như các tiêu chí khác do Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân quyết định phù hợp với yêu cầu giám sát và thực tiễn của địa phương.

Khắc phục vướng mắc, lúng túng trong thực tiễn giám sát của Hội đồng nhân dân

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã khẩn trương đưa nghị quyết vào nội dung tập huấn cho đại biểu là lãnh đạo Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các Ban của Hội đồng nhân dân. Nhờ đó, phương thức tổ chức hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã có sự chuyển biến rõ rệt, đưa lại những kết quả thiết thực.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, với sự đồng hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc ban hành Nghị quyết 594, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp thành phố không ngừng nâng cao về chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và ngày càng đi vào thực chất.

Báo cáo kết quả công tác năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ rõ, bám sát tinh thần của Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã chủ động chuẩn bị từ sớm, triển khai có hiệu quả, chất lượng, hoạt động giám sát ngày càng thực chất, khách quan, sâu sát, tăng tính trách nhiệm, khắc phục tính hình thức.

Từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 trong hoạt động của Hội đồng nhân dân, có thể thấy Nghị quyết đã sớm phát huy hiệu quả, giúp hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân được chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục được một số hạn chế, vướng mắc, lúng túng trong thực tiễn giám sát của Hội đồng nhân dân thời gian vừa qua.

Nghị quyết đã thực sự trở thành “cẩm nang” về trình tự, thủ tục cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giám sát.

Theo đó, phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tái giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt. Hoạt động chất vấn tiếp tục được đổi mới theo hướng thực chất. Đa số các ý kiến chất vấn đều được trả lời, giải trình làm rõ, có giải pháp khắc phục, được đại biểu đồng tình, thống nhất cao.

Sau mỗi phiên họp chất vấn, Hội đồng nhân dân nhiều địa phương đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để theo dõi, giám sát, đôn đốc, tổ chức tái giám sát trong thực hiện các vấn đề, các cam kết trước cử tri và nhân dân địa phương.

Có thể nói, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân là rất kịp thời và cần thiết. Nghị quyết đã thực sự trở thành “cẩm nang” về trình tự, thủ tục cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân được thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Ngày xuất bản: 2/12/2023
Tổ chức thực hiện: Trường Sơn
Thực hiện: Văn Toản - Uyển Hương - Trọng Trung
Ảnh: Báo Nhân Dân, Quochoi.vn