Bắc Kạn kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa

NDO -

Chiều 7-11, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm sản của tỉnh.

Ký kết hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Bắc Kạn.
Ký kết hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Bắc Kạn.

Trong những năm qua, Bắc Kạn đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống cây phù hợp, mở rộng diện tích canh tác, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm nông lâm nghiệp phát triển đa dạng phong phú bước đầu đã trở thành hàng hóa, một số sản phẩm có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết đến. Bắc Kạn có nhiều sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, như: gạo Bao thai Chợ Đồn, cam, quýt, hồng không hạt, miến dong…

Năm 2020, diện tích trồng dong riềng đạt 494 ha sản lượng ước đạt 38.609 tấn củ; có 37 cơ sở chế biến tinh bột, sản xuất miến. Sản phẩm miến dong đã xuất khẩu sang Cộng hòa Séc. Năm 2020, tỉnh trồng gần 200 ha nghệ, năng suất ước đạt 231 tạ/ha, sản lượng ước đạt 4.606 tấn. Sản phẩm tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn, tinh bột nghệ nếp đen Bắc Kạn, Vi-cumax nano curcumin, Trịnh Năng cucurmin đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Mặc dù đồng đất nhỏ, hẹp nhưng nhờ phát triển các giống đặc sản nên một số sản phẩm gạo của tỉnh đã tạo được tiếng vang. Diện tích trồng lúa Bao thai đạt hơn 12 nghìn ha, sản lượng đạt hơn 54 nghìn tấn. Các giống lúa thuộc dòng Japonica đạt hơn 550 ha, sản lượng đạt hơn 3.000 tấn. Lúa Khẩu nua Lếch Ngân Sơn hơn 100 ha, năng suất đạt hơn 41 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 400 tấn.

Các loại cây ăn quả được mở rộng với diện tích quýt 2.378 ha, năng suất đạt hơn 100 tạ/ha. Trong đó, đầu tư, thâm canh 660 ha, được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) 5,8 ha, chứng nhận an toàn thực phẩm hơn 20 ha. Cây cam có 928 ha, trong đó, đầu tư, thâm canh 120 ha, diện tích được chứng nhận VietGAP 10 ha, được chứng nhận ATTP hơn 50 ha. Cây hồng không hạt 799 ha, sản lượng ước đạt 2.473 tấn/năm. Diện tích bí xanh thơm đạt 76 ha, sản lượng ước đạt 3.000 tấn/năm. Ngoài ra tỉnh còn có vùng nguyên liệu rừng trồng rất lớn với diện tích hơn 80 nghìn ha.

Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực quảng bá, kết nối tiêu thụ nông, lâm sản. Từ 2017 đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn; Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cam, quýt và các đặc sản tỉnh Bắc Kạn tại Hà Nội; Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn tại Hà Nội; Tuần lễ giới thiệu Bí xanh thơm, Gạo Japonica và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn tại Hà Nội… Thông qua các hoạt động này, hàng trăm sản phẩm nông sản đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trên cả nước.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, hội nghị xúc tiến lần này sẽ hình thành các thiết chế bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh kết nối, phát triển thị trường, mở rộng liên doanh, liên kết, thúc đẩy xúc tiến thương mại. Tỉnh Bắc Kạn cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. 

Tại hội nghị, đã có năm doanh nghiệp, đơn vị ký cam kết, kết hợp đồng tiêu thụ một số nông sản đặc sản của tỉnh.