Bắc Kạn đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư

NDO -

Tỉnh Bắc Kạn vừa quyết định đổi mới xúc tiến thu hút đầu tư vào tỉnh trong năm 2022. Trong đó, lĩnh vực được ưu tiên là mời gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án dịch vụ du lịch có tầm cỡ, quy mô lớn.

Vận hành nhà máy thủy điện Pác Cáp, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.
Vận hành nhà máy thủy điện Pác Cáp, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.

Đồng thời, lần đầu tiên tỉnh Bắc Kạn cũng có những định hướng mời gọi vốn FDI cụ thể từ một số quốc gia trên thế giới. Đây là bước chuyển của Bắc Kạn nhằm tận dụng xu hướng chuyển dịch sản xuất trên thế giới và trong nước, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, trong năm 2022, đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp, Bắc Kạn tập trung kêu gọi đầu tư vào nuôi, trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản dựa trên sự phát triển chuỗi sản phẩm nông nghiệp, nhất là thế mạnh về sản phẩm OCOP.

Lĩnh vực dịch vụ, du lịch ưu tiên mời gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn, các tổ hợp trung tâm thương mại, mua sắm, vui chơi, giải trí, thể thao, nhà hàng, khách sạn từ 3 sao trở lên có đủ khả năng đón tiếp, tổ chức hội thảo tầm quốc tế. Xây dựng các tuyến du lịch, trở thành điểm đến du lịch mới.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, tỉnh kiên quyết thu hồi các dự án kém hiệu quả, dự án treo để mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, khoáng sản. Đẩy nhanh tiến độ các dự án thủy điện hiện có, hoàn thành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điện gió, điện sinh khối để các nhà đầu tư tiếp cận.

Điểm mới trong chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của Bắc Kạn là tỉnh định hướng tận dụng xu thế chuyển dịch đầu tư vào các nước Đông Nam Á, các hiệp định thương mại đã được nước ta ký kết. Chú trọng tới các nhà đầu tư quốc tế từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn, Đinh Quang Tuyên, Bắc Kạn thực hiện tăng cường thu hút đầu tư trên quan điểm có chọn lọc, chú trọng những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, các dự án có quy mô, chất lượng, hiệu quả, tạo hiệu ứng đầu tư. Đồng thời, hạn chế những dự án sử dụng đất quy mô lớn, giá trị gia tăng thấp. Kiên quyết nói không với các dự án sử dụng nhiều năng lượng, ô nhiễm môi trường, các dự án có xu hướng chuyển dịch sang nước thứ 3 để né hàng rào thuế quan.

Việc chuyển hướng thu hút đầu tư của Bắc Kạn còn dựa trên thực tế kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp của tỉnh đang được đầu tư mạnh mẽ. Năm 2021 được ghi nhận là năm “được mùa” nhất từ trước tới nay đối với Bắc Kạn trong thu hút đầu tư, cả về số lượng và chất lượng các dự án.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, năm 2021, Bắc Kạn đã cấp chủ trương đầu tư cho 18 dự án với tổng vốn hơn 1.168 tỷ đồng; phê duyệt 1 nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bắc Sông Cầu-Phân khu A (thành phố Bắc Kạn) với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Tổng cộng, đến nay, Bắc Kạn đã có 146 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã chấp thuận cho một số nhà đầu tư lớn trên cả nước triển khai nghiên cứu, khảo sát đầu tư vào du lịch, chế biến nông lâm sản...

Trong năm 2021, đã có một số nhà đầu tư nước ngoài thông qua các Đại sứ quán đã tiếp cận, tìm hiểu để nghiên cứu đầu tư vào Bắc Kạn.

Để “trải thảm” mời gọi đầu tư, từ năm 2022 đến năm 2025, Bắc Kạn tập trung triển khai các dự án giao thông lớn, gồm: đường du lịch thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể; hạ tầng giao thông quanh hồ Ba Bể; phối hợp triển khai dự án cao tốc Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn. Năm 2022, Bắc Kạn đầu tư cho 7 huyện, mỗi huyện khoảng 100 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, du lịch. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng Khu công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới), xây dựng thêm các cụm công nghiệp ở các huyện.

Theo lộ trình, đến năm 2025, Bắc Kạn sẽ hoàn thành cơ bản hạ tầng giao thông kết nối đến các điểm, khu du lịch tiềm năng, trọng tâm là hồ Ba Bể. 

Hiện tại, số lượng các nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu, khảo sát, tài trợ quy hoạch vào Bắc Kạn đang tăng nhanh so với những năm trước. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh miền núi này bứt phá trong những năm tới, trở thành điểm đến du lịch mới trên cả nước và khu vực.