Bắc Giang - đất lành của các nhà đầu tư

Chuyển từ tư duy “cấp phép”, “cho phép” sang tư duy phục vụ, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, và với nhiều giải pháp quyết liệt đồng bộ khác, tỉnh Bắc Giang đã trở thành đất lành của nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài...

Công nhân Công ty cổ phần Tổng Công ty may Bắc Giang trong ca sản xuất.
Công nhân Công ty cổ phần Tổng Công ty may Bắc Giang trong ca sản xuất.

Chuyển từ tư duy “cho phép” sang tư duy “phục vụ”

Giữa cái nắng gắt đầu hè, bên trong nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần Tổng Công ty may Bắc Giang (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) không khí làm việc đang rất hối hả. Hàng nghìn công nhân tập trung làm việc trong những công đoạn của dây chuyền, để rồi khi kết thúc, những sản phẩm quần áo mang những thương hiệu toàn cầu như Uniqlo được đóng gói và sẵn sàng xuất khẩu. 

Ông Lưu Tiến Chung, Tổng Giám đốc công ty cho biết, dù gặp khó khăn vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá nhiên liệu, nguyên liệu tăng cao, nhưng đơn hàng của công ty vẫn ổn định. Ở trong nhà máy, có cả phòng thiết kế thời trang, một chỉ dấu cho thấy công ty đang từng bước chuyển từ gia công thuần túy sang thực hiện các công đoạn có giá trị gia tăng cao (FOB, thiết kế thời trang, hướng đến thị trường nội địa...).

Đà ổn định và phát triển giúp công ty mở rộng quy mô sản xuất. Bên ngoài nhà máy, mặt bằng đang được san ủi, tới đây một khu sản xuất mới sẽ hình thành bao quanh hồ nước trong xanh. Và ở trên mái của nhà máy, có những tấm pin năng lượng mặt trời đang chạy cung cấp điện một phần cho hoạt động sản xuất.

Những điều thấy được ở nhà máy của Công ty cổ phần Tổng Công ty may Bắc Giang có thể coi như thí dụ minh họa điển hình cho thành công của chính sách thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh. Theo ông Lưu Tiến Chung, nhờ tỉnh Bắc Giang có những chính sách và sự quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, công ty đã quyết định đầu tư mở rộng sản xuất như một lẽ tự nhiên “đất lành chim đậu”.

Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang chia sẻ, năm 2021, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 105 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025. Sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo ban hành Kế hoạch nhằm cụ thể hóa từng nhiệm vụ trong Nghị quyết và đã giao 73 nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện cụ thể cũng như định kỳ hằng năm. 

Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên duy trì các cuộc gặp mặt, đối thoại trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp...

Gốc rễ của những sự thay đổi ấy đến từ sự thay đổi tư duy của chính quyền tỉnh Bắc Giang, chuyển từ tư duy “cho phép” “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”. Theo đó, UBND tỉnh đã quán triệt sâu sắc các sở, ngành, địa phương thường xuyên nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; nhất là trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục ngay trình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, quy rõ trách nhiệm và thời gian giải quyết của từng ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp.

Bắc Giang không thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá mà theo hướng bền vững. Hiện nay tỉnh có chủ trương thu hút FDI với quan điểm :“1 không”: không ô nhiễm, “2 ít”: sử dụng ít đất, ít lao động, “3 cao”: công nghệ cao, suất vốn cao, hiệu quả kinh tế cao; “5 sẵn sàng”: mặt bằng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, chống dịch hiệu quả.

Tỉnh tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư. Nếu có vấn đề nào đó của cơ chế chính sách đang “vênh” chưa phù hợp với thực tế và quy định chung thì phải đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Sự thân thiện của chính quyền là một lợi thế

Theo ông Nguyễn Cường, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh đầu tư và hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tập trung bố trí nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào các KCN, CCN như: Hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc, cấp thoát nước; hạ tầng xã hội, các loại dịch vụ và thương mại, trường học. 

Bắc Giang cũng đang xây dựng các KCN gắn với khu đô thị với sự gắn kết mật thiết tương xứng với nhau, góp phần giải quyết được vấn đề về nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa bảo đảm cuộc sống của người lao động trong KCN và sau này tiến tới xây dựng môi trường làm việc, sinh sống đẳng cấp với các ngành sản xuất công nghệ cao, hiện đại, gắn với các trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó.

Hiện thực hóa chủ trương ấy, khu đô thị phía Tây thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang rộng gần 80 hecta được quy hoạch hoàn chỉnh, cung cấp nơi an cư cho hàng nghìn hộ gia đình, với hạ tầng đồng bộ hiện đại. Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, những khu đô thị như vậy có ý nghĩa đặc biệt đối với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, kéo theo sự phát triển dịch vụ và nhiều ngành nghề khác phát triển, tạo nên sự song hành, đồng bộ với các KCN.

Với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, chủ trương, chính sách của Bắc Giang không hẳn khác biệt so với những địa phương khác, nhưng điều làm nên sức hút ở đây chính là sự vào cuộc quyết liệt, tính năng động thể hiện khát vọng phát triển của lãnh đạo tỉnh. Với những dự án có sức lan tỏa lớn, tỉnh thành lập ngay tổ công tác để hỗ trợ nhà đầu tư, từ khi bắt đầu triển khai đến khi hoạt động, nên quá trình cấp phép diễn ra rất nhanh. 

Ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore - đất nước có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Bắc Giang, cho rằng sự thân thiện của chính quyền, nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các nhà đầu tư đã tạo nên lợi thế của địa phương này ngoài vị trí địa lý và nguồn nhân lực dồi dào.

Tỉnh Bắc Giang đã đa dạng hóa, chuyên nghiệp hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang thu hút đầu tư chủ động và có chọn lọc các dự án đầu tư theo bộ tiêu chí đã ban hành. Tỉnh thực hiện xúc tiến đầu tư tại chỗ, với tinh thần “hữu xạ tự nhiên hương”, một mặt tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp tục mở rộng dự án tại chỗ, mặt khác nhiều nhà đầu tư đi trước lại chính là những người “xúc tiến” mời gọi các nhà đầu tư sau này vì những trải nghiệm tốt của chính họ trong hoạt động kinh doanh ở địa phương này. Niềm vui đến với Bắc Giang khi đã có tập đoàn quốc tế lớn thu hút các nhà cung cấp phụ kiện của họ cùng đến đầu tư.

Năm 2022, Bắc Giang đón nhận tin vui khi trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng quy hoạch tỉnh được phê duyệt là điều rất quan trọng, giống như mở ra cánh cửa lớn để thu hút đầu tư, khai thác các tiềm năng, thế mạnh vốn có của tỉnh. Nhìn vào quy hoạch, các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng, thế mạnh, khả năng kết nối của Bắc Giang để họ bỏ vốn đầu tư. Do vậy thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh tới đây sẽ tiếp tục khởi sắc.

Quả thật, năm 2022, Bắc Giang đã có bước tăng trưởng ấn tượng. Từ một địa phương có tốc độ tăng trưởng đứng thứ 10 cả nước trong năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022, mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 24,03% và được Tổng cục Thống kê thông báo mức tăng trưởng dự kiến cao nhất cả nước. Không chỉ vậy, dựa trên tình hình phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh có thể đạt mức 20% trong cả năm nay.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 310,52 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, bằng 44,45% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp mới 6 dự án trong nước, vốn đăng ký 324,9 tỷ đồng (bằng 42,28%) và cấp mới cho 5 dự án FDI, vốn đăng ký 102,7 triệu USD (bằng 18%); điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án FDI, vốn đăng ký tăng thêm 193,7 triệu USD (gấp 3,2 lần). Đó thực sự là những con số ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang u ám và một số tỉnh khác “thất bát” trong thu hút vốn đầu tư.

Để thu hút nhiều doanh nghiệp “đại bàng” về “làm tổ”, thời gian tới Bắc Giang ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Dự kiến, đến năm 2025, tỉnh huy động hơn 52 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển đồng bộ cả ba loại hình giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa... Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với hạ tầng và môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện, đến năm 2030, Bắc Giang có thể trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.