ASEAN trước kỷ nguyên kinh tế số

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 được tổ chức tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị cấp cao Kinh doanh và đầu tư ASEAN, với chủ đề “ASEAN số: Bền vững và Bao trùm”.

Nội dung quan trọng được thảo luận là tầm quan trọng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với việc kích thích tăng trưởng, thương mại và đầu tư, khắc phục những hậu quả của đại dịch Covid-19... Một loạt vấn đề quan trọng như: Công nghệ và tương lai việc làm trong ASEAN; ASEAN tự cường, tăng trưởng bền vững và bao trùm; làm thế nào để ASEAN có thể tăng cường sự phát triển của kỹ thuật công nghệ tài chính trên tất cả các quốc gia thành viên; làm thế nào để công nghệ có thể hỗ trợ đầu tư xanh hơn... đã được đặt lên bàn nghị sự. Các diễn giả nhấn mạnh đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại, chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập... đã đặt nhân loại nói chung, các quốc gia thành viên ASEAN nói riêng trước những thử thách và những cơ hội chưa từng có. 

Việc ASEAN nhìn thấy cơ hội phát triển bền vững, phát triển kinh tế số trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra nghiêm trọng hiện nay là hoàn toàn có cơ sở. Bởi trên thực tế, bất chấp các yếu tố bất lợi từ dịch bệnh và căng thẳng thương mại, thời gian qua ngành thương mại điện tử tại các quốc gia Đông - Nam Á vẫn “ăn nên làm ra”. Báo cáo chung về kinh tế điện tử Đông - Nam Á do các hãng Temasek, Google và Bain vừa công bố trước thềm Hội nghị cấp cao Kinh doanh và đầu tư ASEAN cho thấy, kinh tế điện tử của khu vực Đông - Nam Á vẫn đạt 105 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa trong năm 2020, bằng với năm 2019. Các lĩnh vực kỹ thuật số của Đông - Nam Á tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và dự kiến sẽ vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025. Thương mại điện tử nổi lên như một ngành lớn nhất, tăng 63% đạt 62 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng, đạt 172 tỷ USD vào năm 2025. Kinh tế số đã tăng trưởng mạnh ở một số nước, như Việt Nam và In-đô-nê-xi-a đã đạt mức tăng trưởng hai con số, lần lượt là 16% và 11% bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Báo cáo đánh giá, riêng về thương mại điện tử xuyên biên giới, Việt Nam đang là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Tiềm năng phát triển kinh tế số của các nước ASEAN được giới chuyên gia đánh giá là rất lớn khi khu vực này hiện có khoảng 400 triệu người dùng in-tơ-nét và riêng trong năm nay, có thêm 40 triệu người dùng mới. Các cơ hội kinh doanh trong những lĩnh vực mới như kỹ thuật công nghệ tài chính, kỹ thuật công nghệ y tế và kỹ thuật công nghệ giáo dục... đang rộng mở và được các nhà đầu tư quan tâm.

Kinh tế số không chỉ là “bệ phóng” cho tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN những năm tới, mà còn là cơ sở thúc đẩy kết nối khu vực này với các nước đối tác. Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc vừa diễn ra, Thủ tướng Ma-lai-xi-a Mu-hi-đin Y-a-xin kêu gọi ASEAN đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về công nghệ thông tin với Hàn Quốc nhằm thúc đẩy nền kinh tế số trong khu vực. Thủ tướng Ma-lai-xi-a nhấn mạnh, khu vực Đông - Nam Á hiện đang nhanh chóng tiến vào thời đại kỹ thuật số với một tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, năng động và am hiểu về công nghệ. Theo ông, việc hợp tác với Hàn Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Trước đó, trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm trực tuyến Ấn Độ - ASEAN - châu Đại Dương, giới chức Ấn Độ và ASEAN cũng đã tham gia Hội nghị cấp cao kinh doanh trực tuyến, tập trung vào các nội dung chuỗi cung ứng và logistics/kho vận; thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông; chuỗi giá trị sản xuất...

Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 bên cạnh thách thức, cũng là cơ hội cho sự thức tỉnh, thay đổi cách thức phát triển theo hướng xanh hơn, bền vững hơn. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 này,  Thủ tướng Ma-lai-xi-a nhận định rằng, Covid-19 đã mang đến “những thách thức chưa từng có, một thế giới hoàn toàn mới”. Theo đó, việc nắm bắt các cơ hội phát triển từ kinh tế số ở “thế giới hoàn toàn mới” có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, tăng cường kết nối, nâng cao vị thế của ASEAN trong những năm tới.