Áp lực ngày nghỉ

NDO -

NDĐT - Không khí của ngày làm bù thứ bảy sau kỳ nghỉ 30-4, 1-5 khá ảm đạm ở nhiều công sở. Không ít nơi, lãnh đạo phải đôn đốc nhân viên đến đúng giờ, làm việc đầy đủ. Nhưng nhắc nhở là một chuyện. Thực tế là một chuyện khác.

Du khách khắp nơi đổ về các điểm vui chơi ở Hạ Long trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. (Ảnh: QUANG THỌ)
Du khách khắp nơi đổ về các điểm vui chơi ở Hạ Long trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. (Ảnh: QUANG THỌ)

Đã vậy, sau hai ngày làm việc chính thức, thì lại đến một ngày “làm việc vào ngày nghỉ” khiến nhiều người có tâm lý vừa làm vừa chờ đến hết ngày. Một số cơ quan công quyền cũng vắng người dân đến làm thủ tục hành chính. Mọi người đều chờ đến tuần sau, vì biết thứ bảy là ngày làm bù.

Việt Nam được nghỉ nhiều hay nghỉ ít là điều nhiều người còn tranh luận. Nhưng với người Việt, thực tế, mỗi kỳ nghỉ thường được “cơi nới” nhiều hơn số ngày được quy định. Trước ngày nghỉ, nhiều người đã có “tâm lý nghỉ ngơi”. Nhiều người dành khá nhiều thời gian công sở cho việc săn giá vé máy bay, tìm kiếm nơi ăn, chốn nghỉ, hò hẹn bạn bè... Kết thúc kỳ nghỉ, nhất là những kỳ nghỉ dài ngày, quán tính nghỉ ngơi khiến việc bắt nhịp trở lại thường khá chậm chạp.

Tôi sống ở một khu dân cư có đời sống trung bình tại Hà Nội. Dịp 30-4 và 1-5 này, ước chừng, cứ mười nhà mới có một, hai gia đình lên đường đi chơi xa. Đời sống kinh tế nhiều gia đình vẫn chưa cho phép. Họ vẫn thường phải trông chờ vào kỳ nghỉ của cơ quan bố trí, chứ ít khi tổ chức tự túc. Có lẽ, đây là bức tranh phản ánh tình hình chung của đời sống người Việt. Bạn bè tôi cũng vậy, không phải ai cũng có điều kiện cho những chuyến chơi xa. Không thể bắt bọn trẻ ngồi nhà, ngày nghỉ không lẽ bắt chúng ngồi học, đành loanh quanh ra siêu thị, rồi đi công viên... Sang đến ngày nghỉ thứ ba, nhiều người đã than phiền: “Kỳ nghỉ dài quá”. Phần đông, dành thời gian cho về quê, gặp mặt gia đình, người thân, họp lớp, họp bạn đồng niên, đồng ấu...

Theo tính toán của các chuyên gia, kỳ nghỉ dài tạo điều kiện cho người dân có thể đi du lịch, đi chơi, mua sắm..., qua đó kích thích ngành kinh tế du lịch, dịch vụ. Nhưng những tính toán đó, thực ra mới chỉ đúng một nửa. Đúng là khách du lịch có tăng, song, ngành này tăng, thì ngành kia giảm. Nếu ai chưa tin thì có thể hỏi ngay lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất. Họ sợ nhất là những ngày nghỉ dài, khi sản xuất bị đình đốn. Riêng dịp Tết, hiện tượng công nhân còn không quay lại làm việc khá phổ biến, phải tổ chức lại kế hoạch nhân sự.

Có một điều rất dễ nhận thấy, càng những kỳ nghỉ dài ngày, tai nạn giao thông tăng cao, gây ra nhiều cái chết thương tâm. Trong năm ngày nghỉ lễ vừa rồi, ngót 100 sinh mạng đã mất đi. Chưa kể, một lượng không nhỏ khác tiếp tục được trả về lo hậu sự sau những ngày nằm viện. Còn bao nhiêu vụ trọng thương khác nữa. Dịp nghỉ lễ này, Bộ Y tế không thống kê số người nhập viện, tử vong do đánh nhau, nhưng nếu căn cứ vào số liệu các vụ đánh nhau trong dịp Tết Nguyên đán, mọi người cũng suy ra được phần nào. Giờ chắc nhiều người còn nhớ, những con số về đánh nhau trong dịp Tết Kỷ Hợi vừa rồi cứ tăng lên vòn vọt từng ngày. Kết cục, chín ngày nghỉ ngơi, gần 5.500 vụ nhập viện do đánh nhau. 15 trong số đó đã tử vong.

Nguyên nhân của những con số đau lòng này không khó hiểu. Tập quán văn hóa nhiều nơi gặp nhau là ăn nhậu. Có người phàn nàn với tôi năm ngày nghỉ lễ mà có bốn, năm cuộc nhậu “không say không về”. Dịp Tết cũng thế. Những cuộc họp mặt được “đính kèm” với những chén rượu, cốc bia được nâng lên. Khi ma men làm chủ thì người ta bất chấp người cùng mâm mình là bạn, hay họ hàng người thân. Dịp nghỉ lễ kỷ niệm 30-4 và 1-5 này, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi người ta kết thúc những cuộc liên hoan mang tên họp lớp.

Người ta hay so sánh kỳ nghỉ của người Việt với nhiều nước trên thế giới. Thí dụ như Nhật Bản. Người Việt mình ganh tỵ, bởi người Nhật được nghỉ nhiều hơn. Song người ta quên so sánh nhiều thành tố khác. Văn hóa làm việc của người Nhật đề cao hiệu quả công việc lên hàng đầu, họ làm việc nghiêm túc với cường độ rất cao. Người ta không đem “tâm lý nghỉ ngơi” vào nơi làm việc trước và sau kỳ nghỉ như người Việt vẫn làm. Với đời sống kinh tế cao, kỳ nghỉ là thời gian họ dành cho nghỉ ngơi, du lịch để “xả” sau những ngày lao động căng thẳng, thay vì ngồi nâng lên đặt xuống như rất đông người Việt.

Và chúng ta cũng đừng quên, năng suất lao động của người Việt thuộc nhóm thấp nhất khu vực, thua xa nhiều lần so với Singapore, Malaysia... Có lẽ, thay vì băn khoăn Việt Nam nghỉ nhiều hay ít, chúng ta nên nghĩ đến nước mình còn nghèo, đất nước cần những con người lao động thực sự hiệu quả. Khi ấy, những ngày nghỉ mới thêm nhiều ý nghĩa.