Áp dụng khoa học - công nghệ để tăng sản lượng lúa

Giá lương thực đang tăng với tốc độ phi mã. Có nhiều nguyên nhân, như "viện trợ cho nông nghiệp đã bị bỏ quên" là lời phát biểu Tổng Thư ký UNCTAD trước hơn 3.000 đại biểu từ 193 nước (20 - 25-4-2008); Như cảnh báo của FAO việc mở rộng sử dụng nhiên liệu sinh học từ lương thực (ngô, lúa mì) càng làm cho lương thực thiếu trong phạm vi toàn cầu. Tổng giám đốc IMF cho rằng, việc phương Tây tập trung phát triển nhiên liệu sinh học mà bỏ qua lương thực là tội ác chống loài người.

Nước ta cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của tình trạng trên. Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) luôn đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 90-95% lượng gạo xuất khẩu và chuyển ra vùng khác trong nước để dùng và cũng để xuất khẩu. Việc tìm biện pháp tăng nhanh sản lượng lúa gạo ở ÐBSCL là sự hưởng ứng thiết thực lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ phát triển sản xuất và kiềm chế lạm phát.

Về mặt khoa học công nghệ, ba tăng ba giảm là một chương trình mục tiêu đúng đắn, vừa mang tính phong trào, vừa là chương trình "mở" cho các biện pháp kỹ thuật cụ thể thích hợp với từng điều kiện.

Bà con nông dân và cán bộ khuyến nông địa phương xem xét chọn những giống lúa nào, kỹ thuật nào có tác dụng mạnh nhất thì tập trung vào thực hiện để thực sự tăng năng suất và sản lượng, giảm giá thành, do đó tăng thu nhập cho bà con nông dân. Nếu chỉ đánh giá "cả gói" kỹ thuật thì khó phân biệt kỹ thuật nào tăng, kỹ thuật nào không tăng, thậm chí có khuyến cáo nếu làm theo thì hạn chế năng suất, như "Chúng ta không làm nông nghiệp bằng kinh nghiệm", mà đúng hơn là "... không chỉ bằng kinh nghiệm"; hay "chỉ cần thực hiện nghiêm túc IPM, không cần giống kháng"; hay "Không trừ sâu trước 40 ngày sau khi sạ (gieo hạt)".

Xác định giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh vẫn là điều kiện tiên quyết thực hiện chương trình ba tăng ba giảm có kết quả.

Theo một khuyến cáo của Viện Lúa ÐBSCL, các giống lúa đang được dùng trong sản xuất đại trà tương đối kháng rầy nâu và đạo ôn là OM 576, IR 64, VND 95-20, AS 996, OMCS 2000, IR 50404, OM 2517, OM  4498, ST3, OM 2395, những giống có nhiễm hơn, phải thận trọng khi dùng như Jasmin 95, OM 1490, OM 2514, OM 3536..., những giống lúa tỏ ra tốt trong khảo nghiệm như  MTL 645, OM 4900, IR 59656-5K-2. Nhiều giống ST lai tạo của tỉnh Sóc Trăng đã được trồng trên diện tích rộng, tỏ ra rất triển vọng về năng suất và chất lượng gạo, cũng như tính kháng sâu bệnh. Có điều, trong tình hình lương thực ngày càng khan hiếm, phân hóa học và thuốc sát trùng đắt đỏ, nên trồng những giống cao sản kháng sâu bệnh tốt, như OM 576, IR 50404,... Hạn chế những giống lúa thơm đặc sản cao như Jasmin 85, OM 3536... dễ nhiễm sâu bệnh.

Phần lớn diện tích lúa ở ÐBSCL được làm ba vụ/năm, có nơi làm bảy vụ trong hai năm. Khuyến cáo không làm ba vụ lúa/năm có từ ba thập kỷ trước, đến nay nói chung chưa được thực hiện, vì người nông dân làm theo ý đúng của mình.

Nhiều địa phương khi tổng kết diện tích sản xuất các vụ lúa hằng năm thường báo cáo gộp diện tích lúa xuân hè, hay thu đông (làm thêm vụ thứ ba) vào diện tích lúa hè thu. Như vậy, cần khảo sát và tổng kết riêng từng vụ để rút kinh nghiệm cho vụ tới. Thật ra, kỹ thuật sản xuất vụ lúa "tranh thủ" này không khác mấy các vụ lúa chính, nhưng cần thật nghiêm túc thực hiện những kỹ thuật có thể hạn chế tối đa sâu bệnh, như sử dụng đúng giống kháng sâu bệnh tốt, vệ sinh đồng ruộng, sạ lúa thưa theo hàng, dùng hạn chế phân đạm, tăng phân lân, thu hoạch kịp thời.

Cần đặc biệt chú ý phòng, trừ sâu bệnh ngay từ hạt giống, ngâm ủ giống có xử lý thuốc sát trùng lưu dẫn có tác dụng trừ sâu đến 15-20 ngày sau sạ. Cần "truy sát" rầy nâu ngay lúc lúa còn non, vừa tốn ít thuốc, vừa ngăn chặn lây lan.

Nông dân ÐBSCL đang đẩy mạnh việc dùng máy gặt đập liên hợp (GÐLH), và dùng máy kéo tay hay máy tự hành sạ lúa theo hàng. Khó khăn nhất của việc mở rộng diện tích dùng máy GÐLH là nông dân bán nông sản với giá quá rẻ thì đâu có nhiều người đủ tiền mua máy và còn thiếu máy tốt hơn, rẻ hơn. Nông dân cũng không có đủ khả năng làm phẳng ruộng như ở đồng bằng sông Hồng có cả ngàn năm làm lúa nước, một công việc coi như kiến thiết cơ bản đồng ruộng cho nghề trồng lúa, tạo điều kiện để sử dụng máy gieo hạt thuận lợi, và phát huy của nhiều kỹ thuật khác, như tưới nước, bón phân, trừ sâu bệnh...

Ðể thu hoạch một ha, dùng máy GÐLH hết có vài công, trong khi dùng máy gặt xếp dải cần 16 công, gặt thủ công cần 26 công. Tính chung: dùng máy GÐLH giảm được chi phí thu hoạch từ một đến gần hai triệu đồng so với thu hoạch bằng tay, trong đó chủ máy gặt thuê lời khoảng một triệu, lại thu hoạch kịp thời.

Về tổn thất khi thu hoạch, ở Việt Nam ta được đánh giá khoảng 3,9% đến 5%; trong khi dùng máy GÐLH chỉ tổn thất 1-3%, hay ÐBSCL còn có thể cung cấp thêm gần nửa triệu tấn thóc. Do yêu cầu bức xúc gặt bằng máy GÐLH, nông dân ÐBSCL mày mò chế tạo được và đang tiếp tục hoàn chỉnh. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức thi gặt lúa hè thu mùa mưa 2007, máy của ông Út máy cày ở tỉnh Ðồng Tháp đoạt giải nhất; tới lúa mùa khô đông xuân 2008, máy của ông Tư Sang ở Tiền Giang đoạt giải nhất, trong độ 40 máy đăng ký dự thi.

Hầu hết nông dân, khuyến nông viên và cán bộ địa phương đều nói khá trơn tru về ưu điểm của việc dùng máy sạ lúa theo hàng tính trên một ha giảm độ một bao phân u-rê, giảm 1-3 lần phun thuốc trừ sâu do ít sâu bệnh, riêng hạt giống giảm được 100-150 kg hạt giống so với sạ lan tập quán, năng suất có thể tăng ba, bốn tạ đến hàng tấn thóc, nhất là trong vụ hè thu. Nếu chỉ làm tốt việc phổ cập máy GÐLH và sạ hàng, ÐBSCL đỡ lãng phí, hay nói cách khác là có thể cung cấp thêm cả triệu tấn thóc/năm. Nhiều địa phương đã quan tâm, hỗ trợ nông dân trong khả năng của mình, như Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ... đang thực hiện hỗ trợ cho nông dân được vay ngân hàng 30% tiền mua máy GÐLH, còn 70% Nhà nước hỗ trợ lãi suất đến ba năm sau. Nếu như Nhà nước cấp không hoàn lại độ 50-70% tiền mua máy, thì diện tích lúa gặt bằng máy GÐLH sẽ mở rộng rất nhanh. Làm như vậy vừa tăng được sản lượng lúa cho an ninh lương thực, lại vừa giảm vất vả cho nông dân.

Có thể bạn quan tâm