Tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận đào tạo nghề nghiệp trong ngành lâm nghiệp còn thấp (chỉ 2,6%). Phụ nữ nắm giữ các vị trí cao cấp lại càng ít, đặc biệt là lĩnh vực chế biến gỗ. Đây là khu vực phụ nữ có xu hướng làm những công việc kém an toàn hơn và được trả lương thấp hơn. Cụ thể, khoảng cách thu nhập theo giới trong ngành này lên tới 31,3%.

Anja Barth là Cố vấn trưởng dự án, GIZ Việt Nam. Bà phụ trách một số dự án về lâm nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam từ năm 2019.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã có buổi trò chuyện với Anja về trải nghiệm và suy nghĩ của bà về cuộc sống ở Việt Nam và những vấn đề về bình đẳng giới trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Trong hành trình của mình, Anja mong muốn đóng góp vào việc quản lý và bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam, đồng thời tạo ra những thay đổi tích cực, thực chất về bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp.

PV: Điều gì khiến bà quyết định làm việc tại nước ngoài?

Bà Anja Barth: Tôi nghĩ, điều đó đến từ gia đình mình. Tôi lớn lên ở Đức nhưng được sinh ra ở Moscow ở Nga - thời Liên Xô cũ. Đây là nơi mà bố mẹ tôi gặp nhau khi đi học. Sau đó, gia đình tôi trở về Đông Đức. Tôi và các anh chị em của mình lớn lên trong một thị trấn nhỏ tên là Freiberg.

Cuộc sống của chúng tôi diễn ra bình thường cho tới khi Bức tường Berlin sụp đổ vào cuối những năm 1980. Chiến tranh Lạnh kết thúc dẫn đến sự thống nhất nước Đức.

Rất nhiều thay đổi đã diễn ra tại nơi chúng tôi ở. Sau khi học xong, điều mà tôi hiểu rất rõ là mình muốn tiếp tục làm việc với các nhóm và nền văn hóa khác nhau.

PV: Có bao giờ bà thấy nhớ quê nhà của mình không?

Bà Anja Barth: Mọi người đều trải qua cảm giác nhớ nhà, nhưng với tôi thì nhà chỉ là một khái niệm tương đối thôi. Nhà là nơi tôi và gia đình tôi ở. Hiện tại Việt Nam là nhà, là nơi tôi trở về sau nhiều giờ làm việc. Tất nhiên tôi còn có một ngôi nhà khác ở Đức – nơi mà bố mẹ tôi đang sống.

Khi ở Việt Nam, tôi nhớ nhà ở Đức. Và khi ở Đức, tôi lại nhớ nhà ở Việt Nam.

PV: Tại sao lại Việt Nam là nhà? Bà đã ở đây bao lâu và có điều gì thay đổi trong suốt khoảng thời gian đó không?

Bà Anja Barth: Tôi đã ở đây 5 năm và chính xác mà nói, cảm giác Việt Nam là quê nhà đã lớn dần trong tôi.

Việt Nam là một đất nước rất thú vị và đa dạng. Một nơi có rất nhiều chuyển động. Nếu bạn đi đến cùng một điểm, cứ hai tuần một lần bạn sẽ thấy sự thay đổi!

Bạn khó có thể nhìn thấy điều đó ngay từ bên ngoài khi đến đây với tư cách là một khách du lịch. Nhưng nếu bạn sống ở đây đủ lâu, gặp nhiều người, nhiều tính cách và lắng nghe câu chuyện đằng sau họ, bạn sẽ thấy điều thú vị mỗi ngày.

Tôi học hỏi từ các đồng nghiệp của mình, học về cách họ lớn lên trước, trong và khi chiến tranh kết thúc.

Tôi nghĩ ấn tưởng của mình không có nhiều thay đổi sau 5 năm. Có chăng là bây giờ tôi có thể phát hiện ra nhiều chi tiết hơn, nhiều sự khác biệt hơn.

Cứ vài lần một năm, tôi lại thăm thú phố cổ, đi qua những con phố tấp nập đủ loại đồ ăn thức uống và hàng hóa đa dạng. Hiển nhiên, đó là điều mà nhiều người nước ngoài sẽ làm khi lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội. Nhưng khi sống ở Hà Nội đủ lâu mà vẫn lên phố cổ, bạn sẽ quan sát nhiều hơn và trân trọng nhiều hơn.  

Khi đến với tư cách khách du lịch, có lẽ bạn chỉ nhìn thấy Việt Nam như một bức tranh toàn cảnh, nhưng nếu ở lại đủ lâu, bạn sẽ thấy một bức tranh sinh động với nhiều cận cảnh đa dạng.

PV: Khi còn nhỏ, bà đã từng trải qua sự bất bình đẳng giới bao giờ chưa?

Bà Anja Barth: Việc là con gái hay con trai không bao giờ là vấn đề trong quá trình trưởng thành của tôi cả. Tôi cũng có một cậu em trai và chúng tôi được đối xử công bằng như nhau.

Một vài gia đình hoặc xã hội có thể mang những định kiến như con gái thì không nên theo đuổi khoa học. Nhưng may mắn là chính bản thân mẹ tôi cũng theo học địa-hóa học (địa chất và hóa học). Bà cùng ngành với bố tôi, cả hai đều là nhà khoa học. Họ nuôi dưỡng cho chúng tôi suy nghĩ về chuyện không có sự khác biệt giữa nam và nữ. Chủ yếu, sự khác biệt nằm ở sở thích hay khả năng của mỗi người. Đó là cách mà tôi đã lớn lên.

PV: Vậy khi nào bà bắt đầu nhận ra bình đẳng giới là một vấn đề?

Bà Anja Barth: Một trong những trải nghiệm đầu tiên khiến tôi nhận ra phụ nữ có thể gặp bất lợi chỉ vì giới là khi tôi đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Buổi sáng, bạn thức dậy và mọi người bắt đầu ra đồng. Chúng tôi nhìn thấy một người đàn ông lái máy kéo, chở đầy ắp phụ nữ ở phía sau.

Nhưng chỉ phụ nữ mới xuống đồng làm việc. Tôi hỏi:

-       Tại sao anh ấy không hỗ trợ việc đống áng?

-       Không, anh ấy phải làm công việc nặng nhọc hơn. Anh ấy phải lái máy kéo – họ nói.

Như vậy, công việc đồng áng được coi là việc nhẹ nhàng trong khi lái máy kéo lại là công việc nặng nhọc? Sự bất bình đẳng đó đến từ nhận thức và hiểu biết.

Tôi không nghĩ là mình đã cảm thấy tức giận hay một cảm xúc tương tự như thế. Bởi mỗi xã hội và mỗi tình huống đều có hoàn cảnh, nền tảng và những cách giải thích khác nhau. Tuy nhiên, ở tình huống này bất bình đẳng giới cũng có nghĩa là mất đi cơ hội tiếp cận việc làm và tự do lựa chọn công việc mà mình mong muốn. Vậy nên, tôi muốn làm gì đó để thúc đẩy bình đẳng.

PV: Bà nghĩ gì về tình hình bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay?

Bà Anja Barth: Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong thu hẹp khoảng cách bình đẳng giới. Điều đó thể hiện ở tỷ lệ cân bằng về giới trong tiếp cận giáo dục trung học hay tỷ lệ nghèo. Khoảng cách về giới trong tham gia lực lượng lao động hay tỷ lệ tử vọng của phụ nữ sau sinh đã thu hẹp đáng kể.

Việt Nam cũng đã xây dựng khung pháp lý vững chắc trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và quyền của phụ nữ. Điều đó được thể hiện trong Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước, hay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật v.v.

Một điểm nữa cũng cần phải ghi nhận đó là Bộ luật Lao động 2019 đã có những sửa đổi thuận lợi quan trọng. Cụ thể là việc loại bỏ danh mục các nghề bị cấm đối với phụ nữ, lao động nam được hưởng chế độ nghỉ thai sản nhiều hơn khi người vợ sinh con, làm rõ định nghĩa về quấy rối tình dục và giảm khoảng cách giới trong độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ 5 năm xuống còn 2 năm vào năm 2035.

"Tôi thấy thật tuyệt vời khi Việt Nam đã tăng 11 bậc trên Bảng xếp hạng Khoảng cách giới tính toàn cầu 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, từ vị trí thứ 83 vào năm 2022 lên vị trí thứ 72 trong số 148 quốc gia."

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để phụ nữ có thể tham gia và đóng góp quan điểm, năng lực của mình nhiều hơn nữa vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Trên thực tế, đa số các vị trí quản lý và lãnh đạo chủ chốt vẫn do nam đảm nhiệm . Phụ nữ thường làm các công việc có nhiều rủi ro hơn cũng như gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận và kiểm soát nguồn lực hay có nguồn thu nhập thấp hơn.

Ngoài ra, gánh nặng công việc chăm sóc gia đình không được trả lương đang đè nặng lên vai người phụ nữ. Bên cạnh đó, nữ giới thường trải qua nhiều hình thức bạo lực dựa trên cơ sở giới. Có thể thấy rằng định kiến giới được xem là rào cản lớn nhất để phụ nữ tham gia bình đẳng trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và chính trị.

Ngoài ra, khung pháp lý hiện tại về bình đẳng giới vẫn chưa tạo ra một nền tảng tốt để giải quyết các vấn đề có tính liên tầng. Ví dụ như bình đẳng giới vẫn được định nghĩa theo thuật ngữ nhị nguyên giới. Hay các vấn đề mới nổi như biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh chưa được chú trọng trong các chương trình, chính sách, chiến lược về giới..

Trong khi đó, bình đẳng giới không được tích hợp một cách nhất quán trong các khung chính sách của các ngành chuyên môn như lâm nghiệp, biến đổi khí hậu, năng lượng, quản lý tài chính công,…

Theo tôi, việc tiếp cận một cách toàn diện và tích hợp trên nhiều lĩnh vực khác nhau là biện pháp quan trọng để giải quyết những nguyên nhân mang tính cấu trúc và hệ thống của bất bình đẳng giới.

PV: Trong quá trình sinh sống và làm việc của mình tại Việt Nam, bà đã bao giờ quan sát thấy sự bất bình đẳng giới chưa?

Bà Anja Barth: Trong các dự án lâm nghiệp mà tôi trực tiếp tham gia, tôi quan sát được rằng không có nhiều phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này. Phụ nữ nắm giữ các vị trị lãnh đạo hay ra quyết định lại càng ít, đặc biệt là lĩnh vực chế biến gỗ. Họ có xu hướng làm những công việc kém an toàn hơn và được trả lương thấp hơn, trong khi nam giới thường đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật, tay nghề cao với thời gian lâu hơn và được đào tạo nhiều hơn.

PV: GIZ Việt Nam đã thúc đẩy quá trình bình đẳng giới như thế nào, thưa bà?

Bà Anja Barth: Những gì chúng tôi đang làm cũng nằm trong chương trình nghị sự do Bộ Ngoại giao, và Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ). Điều đó được thể hiện trong Chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và quyền phụ nữ trong hoạt động ngoại giao (Feminist Foreign Policy) hay trong hợp tác phát triển (Feminist Development Policy) của hai bộ.

Cả hai chính sách này hướng đến giải quyết ba khía cạnh quan trọng liên quan đến thúc đẩy việc thực hiện quyền, tiếp cận và kiểm soát nguồn lực, sự tham gia và tính đại diện của phụ nữ trong quá trình ra quyết định.

Ở Việt Nam, GIZ đã tiến hành lồng ghép giới trong suốt chu trình của dự án, từ khâu thiết kế, lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và đánh giá dự án. Ví dụ trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi đã hỗ trợ các công ty lâm nghiệp tổ chức khóa tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về bình đẳng giới, đưa các điều khoản về chống quấy rối tình dục trong hợp đồng với nhà thầu phụ, đảm bảo yếu tố bình đẳng giới trong quá trình tuyển dụng nhân sự của họ, hay tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bình đẳng giới trong quản lý rừng bền vững,…

Trong năm ngoái, chúng tôi phối hợp với Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy bình đẳng giới cho phát triển lâm nghiệp bền vững” với sự tham gia của hơn 100 đại biểu ở các cấp và lĩnh vực khác nhau.

Ngoài việc thúc đẩy sự ghi nhận về vai trò tích cực của phụ nữ trong ngành lâm nghiệp thông qua các câu chuyện có thực của 10 gương mặt phụ nữ ưu tú, diễn đàn là cơ hội để các bên liên quan, với các kết nghiên cứu về giới trong ngành lâm nghiệp, cùng nhau thảo luận các giải pháp hợp tác liên ngành, liên cấp và liên quốc gia nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng của phụ nữ vì ngành lâm nghiệp phát triển bền vững.  

Ngoài lĩnh vực lâm nghiệp, GIZ Việt Nam cũng đã và đang hợp tác với đối tác chính phủ và các bên liên quan khác thúc đẩy bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau như năng lượng, đào tạo nghề, giao thông vận tải, quản lý tài chính công,…Ví dụ như, cùng các đối tác phát triển khác, GIZ Việt Nam đã hỗ trợ chính phủ trong việc lồng nghép giới trong bản cập nhật báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam đã đệ trình lên Công ước Khung của Liên Hợp quốc về BĐKH (UNFCCC), hay lồng ghép giới trong xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam;

GIZ Việt Nam cam kết hỗ trợ đối tác triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực nhằm tạo điều kiện để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong đào tạo nghề kỹ thuật, hay hỗ trợ xây dựng mạng lưới nữ trong ngành năng lượng,…

PV: Trong hành trình của mình, bà mong muốn mang điều gì đến Việt Nam?

Bà Anja Barth: Công việc của tôi là bảo vệ môi trường. Tôi chắc chắn rằng mình muốn hợp tác với nhiều đối tác hơn nữa để tạo ra sự khác biệt trong lĩnh vực này, đặc biệt là quản lý và bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam.

Tôi hy vọng rằng thế hệ tương lai của Việt Nam vẫn được hưởng lợi các giá trị tuyệt vời mà hệ sinh thái và đa dạng sinh học mang lại. Do vậy, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để con cháu mình không phải gánh chịu những hậu quả không đáng có khi tài nguyên thiên nhiên chưa được quản lý tốt.

Với công việc đang làm ở đây, tôi mong mình có thể đóng góp một phần nhỏ bé vào sự thay đổi tích cực này. Và một điều không phải bàn cãi nữa, bình đẳng giới là phần không thể tách rời khỏi sự thay đổi đó.

Và hành trình này không chỉ là những gì tôi có thể mang đến Việt Nam mà còn là những gì tôi có thể học hỏi từ nơi đây. Tôi đã học được rất nhiều điều từ những người phụ nữ tuyệt vời trong đội của mình, từ các đối tác và cả những điều giản dị trên đường phố.

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này./.