Sức mạnh của hình ảnh

Hình ảnh có sức mạnh “trăm nghe không bằng mắt thấy”, một bức hình có sức thuyết phục hơn bài báo nghìn chữ. Phản ánh hiện thực cuộc sống, qua ống kính với góc nhìn riêng trong những khoảnh khắc vàng, nhà nhiếp ảnh nói chung, nhà báo ảnh nói riêng được ví như người ghi - chép sử bằng hình. Bức ảnh Em bé Napalm của Nick Út - phóng viên ảnh hãng AP Mỹ là minh chứng sống động.

Kim Phúc nói chuyện về bức ảnh Em bé Napalm tại Trường Harvard Westlake School ở Los Angeles.
Kim Phúc nói chuyện về bức ảnh Em bé Napalm tại Trường Harvard Westlake School ở Los Angeles.

Bức ảnh định mệnh

Bức ảnh Em bé Napalm chụp bé gái Kim Phúc chín tuổi đang kêu khóc, thân thể không mảnh vải, bị bỏng nặng đang chạy trong khói lửa Napalm ở Trảng Bàng (Tây Ninh) ngày 8-6-1972 đã làm nên tên tuổi Nick Út - phóng viên ảnh người Mỹ gốc Việt của hãng thông tấn AP.

Có mặt tại thời điểm khốc liệt ấy, bắt được khoảnh khắc đau thương ấy để ngay hôm sau bức ảnh Em bé Napalm của Nick Út đã được đăng trên trang bìa của tờ Los Angeles Time. Và Em bé Napalm trở thành câu chuyện ảnh đau thương không chỉ về một cô bé, một làng nhỏ yên bình dưới bom đạn mà là một hình ảnh biểu tượng tàn khốc của chiến tranh Việt Nam. Đó là một trong những “chân dung” ám ảnh nhất, góp phần thay đổi cái nhìn của thế giới về chiến tranh Việt Nam, lay động bao trái tim người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, cùng với phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam càng mạnh mẽ đã tác động lớn đến chính sách của Mỹ và góp phần chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh ấy đã được đăng trên hàng nghìn tờ báo và được nhắc đi nhắc lại vài chục năm sau mỗi khi người ta lần giở lại lịch sử, xem xét và rút ra bài học từ cuộc chiến tranh đau thương này.

Em bé Napalm đã đoạt các giải thưởng lớn: Ảnh báo chí thế giới (World press photo) 1972, Pulitzer - giải thưởng báo chí danh giá nhất của Mỹ năm 1973, giải Lucie Award (tôn vinh những bậc thầy về ảnh báo chí thế giới) năm 2014, giải Thành tựu trọn đời Quinn - được trao bởi Câu lạc bộ ảnh báo chí Los Angeles vào ngày 26-6-2016 sắp tới tại Mỹ, cũng là dịp kỷ niệm 50 năm Nick Út làm việc cho hãng thông tấn AP. Bên cạnh đó là những chương trình hội thảo, đi nói chuyện, triển lãm ảnh tại nhiều nơi trên thế giới, với nhân vật ảnh đặc biệt Kim Phúc - Em bé Napalm 44 năm trước. Đây là tác phẩm ảnh báo chí đoạt giải hiếm hoi được tôn vinh “mãi về sau”, đưa Nick Út trở thành một tên tuổi lừng danh trong làng ảnh báo chí thế giới.

“Gần 50 năm làm việc cho AP, chỉ với bức ảnh này tôi đã đón nhận nhiều vinh dự, được đồng nghiệp quý trọng, được rất nhiều người biết đến. Nói về ảnh chiến tranh Việt Nam, người ta luôn nhắc đến bức ảnh Kim Phúc. Nói về Kim Phúc, người ta nhớ đến Nick Út. Trong số 100 tấm ảnh được ghi vào lịch sử thế kỷ 20 do Trường đại học Columbia bình chọn, bức ảnh Kim Phúc được xếp thứ 41” - nhà báo Nick Út chia sẻ với tôi. Chiếc máy ảnh Leica anh chụp Em bé Napalm năm 1972 ấy hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Anh.

Không đơn giản chỉ là có mặt và cơ may nắm bắt được khoảnh khắc vàng để có được bức ảnh nổi tiếng ấy, các đồng nghiệp của Nick Út đã chụp được loạt ảnh anh vừa chụp vừa dội nước lên người Kim Phúc, cứu giúp, đưa Kim Phúc và những đứa trẻ bị thương khác vào bệnh viện gần đó và Bệnh viện Barksy ở Sài Gòn. Sau 14 tháng điều trị và trải qua 17 cuộc phẫu thuật, Kim Phúc - em bé Napalm đã sống sót diệu kỳ, dù trước đó ngay các bác sĩ cứu chữa cũng không dám tin em sẽ sống được. Cuộc “gặp gỡ” trong hoàn cảnh khắc nghiệt không chỉ tạo nên bức ảnh nổi tiếng, nó còn là cột mốc bắt đầu tình anh em, sự gắn bó định mệnh giữa tác giả và nhân vật ảnh. Hiện nay chị Kim Phúc định cư ở Canada cùng chồng và hai con. Nick Út và Kim Phúc vẫn gặp nhau, mỗi khi cả hai có dịp đến Mỹ hoặc Canada hay cùng tham dự các sự kiện, hội thảo, triển lãm có liên quan đến câu chuyện ảnh nổi tiếng 44 năm trước.

Ảnh chụp Việt Nam ngày nay của Nick Út là những hình ảnh về một Việt Nam đổi mới, hòa bình.

Trở lại nơi chụp Em bé Napalm

Ngày 8-6-2015, Nick Út cùng các đồng nghiệp AP trở lại Trảng Bàng (Tây Ninh), nơi anh đã chụp bức ảnh Em bé Napalm năm 1972. Chương trình do hãng AP tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm ngày kết thúc chiến tranh, 43 năm chụp bức ảnh lừng danh, được phát trên chín kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ sau đó.

Theo chân Nick Út cùng các đồng nghiệp của anh, chúng tôi có dịp thăm lại chiến trường xưa, nơi diễn ra trận càn khốc liệt, anh đã chụp bức ảnh nổi tiếng năm nào. Ngã ba xưa, nơi ống kính của Nick Út chớp được hình ảnh bé gái Kim Phúc chạy đến kêu khóc hoảng loạn, nay là quốc lộ 22 đông đúc người, xe qua lại. Đã vài lần trở lại nơi này, nhưng lần nào trở lại Nick Út cũng rưng rưng xúc động. Đứng tại ngã ba nơi xảy ra vụ việc, anh kể lại khoảnh khắc đau thương ấy, trả lời phỏng vấn các hãng tin, truyền hình. Anh đi thăm ngôi nhà xưa của cha mẹ, những người họ hàng của Kim Phúc, gặp gỡ và trao tặng bức ảnh Em bé Napalm cho anh Hồ Văn Bôn (cậu bé đứng bên cạnh Kim Phúc trong bức ảnh). Những người hàng xóm của gia đình Kim Phúc đều nhận ra anh, chú Út nhà báo nổi tiếng. Tại quán phở của gia đình chị Nguyễn Thị Râm - chị dâu Kim Phúc, các du khách quốc tế ghé ăn phở đều nhận ra nhà báo ảnh lừng danh thế giới với bức ảnh nổi tiếng. Họ trò chuyện, xin được chụp ảnh lưu niệm cùng anh với thái độ quý mến, trân trọng. Vài người đưa cuốn sách ảnh của anh vừa ra mắt tại Việt Nam mà họ mua được, xin anh chữ ký. Dường như cuộc gặp gỡ với Nick Út là một sự kiện may mắn, ấn tượng đẹp trong chuyến du lịch Việt Nam của họ.

Có những khoảng lặng suy tư khi anh chia sẻ về những hồi ức cũ. Một bức ảnh vinh quang cả đời, đem lại niềm vui lẫn không ít nỗi buồn, nỗi buồn chiến tranh với ký ức kinh hoàng, không ai muốn có. Chụp ảnh như ghi chép-ghi nhận, với ống kính zoom từ xa khác hoàn toàn với chụp giữa thảm cảnh mà chính mình cũng có thể thương vong. Không chỉ là những cú bấm máy phản ánh hiện thực đơn thuần, mà là khoảnh khắc nắm bắt với trái tim và nỗi đau phía sau ống kính ở tuổi 21.

Ảnh chụp Việt Nam ngày nay của Nick Út là những hình ảnh về một Việt Nam đổi mới, hòa bình. Bất cứ khi nào có dịp anh lại trở về quê hương, hào hứng với những chuyến đi về Đồng bằng sông Cửu Long, vùng cao Tây Bắc, những tà áo dài, nụ cười trên đường phố, niềm vui trẻ thơ, phong cảnh, con người, cuộc sống làng quê thanh bình... bằng cái nhìn yêu thương, lạc quan như con người anh, một nhiếp ảnh gia hồn hậu, chân thành, sinh ra ở Long An, luôn hướng tới những điều tốt đẹp với cái nhìn tích cực.

Ngày 18-6, từ Los Angeles (Mỹ), nhiếp ảnh gia Nick Út chia sẻ với tôi niềm vui: “Ngày 26-6 tới, Kim Phúc và chồng con cô ấy sẽ bay từ Canada sang chia vui nhân dịp tôi được trao giải Thành tựu trọn đời, sau 50 năm làm việc cho AP. Giải thưởng này từng được trao cho nhiều người nổi tiếng như Dan Rather và Walter Cronkite. Tôi rất hạnh phúc khi được các đồng nghiệp, báo chí thế giới đánh giá cao và trân trọng bức ảnh, là người Việt Nam được vinh danh gắn liền với bức ảnh chụp Kim Phúc”.

Sau 50 năm làm việc cho AP, Nick Út sẽ nghỉ hưu trong năm nay. Niềm vui đơn giản của anh là gặp gỡ bạn bè, vui với cháu ngoại, vui nhất là thỉnh thoảng có cơ hội về lại quê hương để rong ruổi đó đây, trao đổi nghiệp vụ ảnh báo chí với đồng nghiệp Việt Nam và dạy trẻ em chụp ảnh. Sau một đời cầm máy, tác nghiệp ở nhiều mảng, nổi tiếng thế giới và được bạn bè đồng nghiệp quý trọng... đến lúc anh mong được nghỉ ngơi thanh thản. Chúc anh vui khỏe, thực hiện được những mong muốn của mình!

Sức mạnh của hình ảnh ảnh 1

Nick Út đang tác nghiệp về chữa cháy rừng ở Santa Barbara (Mỹ) ngày 18-6-2016.

Giải Thành tựu trọn đời (Quinn Award) được trao bởi CLB báo chí Los Angeles, một trong những giải thưởng báo chí cao quý nhất. Lễ trao giải cho nhiếp ảnh gia Nick Út sẽ diễn ra tối 26-6-2016 tại khách sạn Millennium Biltmore, Los Angeles với sự tham dự của hơn 500 nhà báo. Dịp này, các tác giả từng đoạt giải Thành tựu trọn đời như Richard Engel, Anderson Cooper, Lesley Stahl, Woodruff & Bernstein, Dan Rather and Walter Cronkite... cũng được mời dự lễ trao giải.