Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Ðánh giá đúng thực trạng để khắc phục hạn chế, yếu kém

Triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), các cấp ủy đảng ở tỉnh Thái Nguyên tập trung chỉ đạo kiểm điểm, đề cao tính gương mẫu của cấp ủy và người đứng đầu các cấp, bảo đảm nhận diện, “mổ xẻ” những hạn chế, yếu kém, để có giải pháp khắc phục. Gắn liền công tác kiểm tra, giám sát, các cấp ủy coi trọng đổi mới phương pháp, tác phong làm việc nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên trong toàn Ðảng bộ tỉnh.

Kỷ cương và tính gương mẫu

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, từ các bước kiểm điểm, tự phê bình và phê bình từng cấp ủy, tổ chức đảng tỉnh Thái Nguyên coi trọng phát huy tinh thần “tự soi, tự sửa”. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy hướng mạnh vào việc nhận diện và xác định rõ những hạn chế, yếu kém cùng biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên Bùi Xuân Hòa cho biết:

Nội dung tự phê bình và phê bình ở đảng bộ bảo đảm cấp trên và người đứng đầu cấp ủy các cấp gương mẫu, tự giác kiểm điểm để cấp dưới học tập, làm theo. Cấp ủy kết hợp kiểm điểm tự phê bình và phê bình với giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm. Tổ chức đảng coi trọng phát huy vai trò quần chúng trong xây dựng Ðảng.

Quá trình kiểm điểm, gắn liền công tác kiểm tra của cấp ủy các cấp trong Ðảng bộ tỉnh, cấp ủy cấp huyện và cơ sở đã kiểm tra chuyên đề được gần 5.000 lượt tổ chức đảng và hơn 10.000 đảng viên về chấp hành nguyên tắc sinh hoạt đảng, lãnh đạo thực hiện nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết, quy định cấp trên. Từ đó cấp ủy các cấp trong đảng bộ tỉnh đã nhận diện, phát hiện nhiều tổ chức, đảng viên vi phạm điều lệ, nguyên tắc hoạt động của Ðảng. Một số cán bộ, đảng viên còn chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, có lúc còn sa sút ý chí chiến đấu, ý thức rèn luyện kém, chưa gương mẫu giữ gìn phẩm chất, đạo đức lối sống dẫn đến vi phạm kỷ luật Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Cá biệt có trường hợp cán bộ chủ chốt địa phương, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống dẫn đến vi phạm phải xử lý kỷ luật. Vẫn còn cán bộ, đảng viên xem nhẹ việc học tập chỉ thị, nghị quyết của Ðảng...

Nội dung kiểm điểm thường xuyên và định kỳ của các đảng bộ đã chú trọng vào những lĩnh vực trọng điểm, những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Như việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ ở Chi cục Thủy lợi, Trường đại học Y Dược Thái Nguyên. Vi phạm về đạo đức, lối sống của một số cán bộ xã Ðiềm Mặc (huyện Ðịnh Hóa); thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của một số cán bộ (huyện Võ Nhai); lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tiêu cực của bảy đảng viên thuộc khối nội chính tỉnh... Những cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa phát huy được vai trò tiên phong, thiếu gương mẫu, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành, chưa chủ động trong kiểm tra, nắm bắt tình hình dẫn đến sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng, quản lý ngân sách... Với các tập thể ban thường vụ cấp huyện, các cơ quan, đơn vị, những đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, quá trình kiểm điểm chưa rõ hạn chế, yếu kém, chưa có giải pháp khắc phục triệt để đều được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, gợi ý kiểm điểm lại, có chương trình, giải pháp khắc phục đạt yêu cầu đặt ra.

Ba năm gần đây, từ chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy, ban thường vụ các đảng bộ trực thuộc tỉnh xây dựng và ban hành chương trình kiểm tra, giám sát, tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra. Từ kết quả kiểm tra, giám sát, tinh thần, thái độ của tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, cấp ủy, chi bộ và UBKT các cấp trong tỉnh đã thi hành kỷ luật nhiều trường hợp vi phạm với các hình thức khác nhau. Các tổ chức đảng coi trọng giữ vững kỷ cương, tính nghiêm minh của pháp luật và kỷ luật Ðảng.

Thực tế tại Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên cho thấy, khi tổ chức cơ sở đảng buông lỏng nguyên tắc sinh hoạt, một bộ phận đảng viên “nhạt đảng”, tính nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý mờ nhạt, chậm được nhận diện, là một nguyên nhân làm suy giảm vai trò, hiệu lực lãnh đạo của tổ chức đảng - bài học của nhiều tổ chức đảng, trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII.

Ðồng chí Nguyễn Văn Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy cho biết: Quá trình nêu trên cho thấy công tác kiểm tra, giám sát hằng năm ở một số cấp ủy cơ sở và UBKT chưa đạt yêu cầu đề ra; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận sau kiểm tra, giám sát ở một số nơi còn hạn chế. Ðó cũng chính là nội dung để các cấp ủy, UBKT các cấp có giải pháp, xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát sát với thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ.

Giải quyết vấn đề “điểm và diện”

Từ thực tế đặt ra ở Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng các cấp ủy đã tập trung nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSÐ) và đảng viên. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chủ động xây dựng chương trình, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng Ðảng. Nhiều cấp ủy có bài học, kinh nghiệm về đổi mới tác phong lãnh đạo; sự khắc phục những hạn chế, yếu kém có nền tảng từ việc bảo đảm nhận diện, đánh giá đúng yếu kém, những biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên và người đứng đầu các cấp. Cấp ủy cấp trên và cấp ủy cơ sở coi trọng phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng điểm, bám sát cơ sở của các cấp ủy, các cấp ủy cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo tạo được sự chuyển biến mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng trước đây hạn chế do tác phong lãnh đạo chung chung, dàn trải, chưa quy rõ trách nhiệm cá nhân dần được khắc phục. Sinh hoạt theo chuyên đề, có sự tham dự, chỉ đạo của đại diện cấp ủy cấp trên, thể hiện rõ sự đổi mới trong sinh hoạt đảng ở Ðảng bộ tỉnh. Ðánh giá cán bộ là khâu yếu kéo dài ở nhiều tổ chức đảng do chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục. Thông qua chuyên đề lãnh đạo đổi mới công tác đánh giá cán bộ, nổi bật là ở Ðảng bộ huyện Ðồng Hỷ, Huyện ủy có giải pháp triển khai việc đánh giá cán bộ qua nhật ký công vụ. Với quy định cán bộ ghi nhật ký công tác theo tuần, cơ quan đơn vị chủ quản đánh giá theo tháng, đã sớm phát hiện, nắm bắt những điểm mạnh và yếu của từng cán bộ, công chức, viên chức. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ðồng Hỷ Nguyễn Khắc Tân khẳng định: Với cách làm nêu trên, các cấp ủy đã lượng hóa những tiêu chí ở từng chức trách và lấy hiệu quả công việc đánh giá đúng thực chất phẩm chất, năng lực của cán bộ. Ðó là cơ sở thuyết phục cho việc tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, hoặc khen thưởng, kỷ luật cán bộ khách quan, chính xác hơn.

Một số đơn vị đã thực hiện tốt nội dung sinh hoạt chuyên đề như: Huyện ủy Phú Lương với chuyên đề các giải pháp xây dựng nông thôn mới. Huyện ủy Ðại Từ với chuyên đề các giải pháp xây dựng chi bộ đảng ở xóm, tổ dân phố chưa có chi bộ; Huyện ủy Võ Nhai xây dựng chuyên đề về chính sách đãi ngộ cán bộ cơ sở, thực trạng và giải pháp. Thành ủy Thái Nguyên có chuyên đề lãnh đạo phát huy dân chủ xã, phường, thị trấn. Qua đó, Thành ủy đã tập trung vào việc tiếp nhận và giải quyết các trường hợp khiếu nại kỷ luật đảng do các tổ chức đảng trực thuộc thực hiện để xem xét việc kỷ luật đối chiếu với quy định của Ðảng kịp thời, đúng nguyên tắc.

Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Ðức Lực chia sẻ: Thực tế tổ chức đảng thực hiện sinh hoạt, lãnh đạo theo chuyên đề không chỉ phát huy vai trò của cấp ủy, người đứng đầu các cấp, mà còn góp phần nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức mới cho đảng viên, tạo sự phong phú, hấp dẫn trong sinh hoạt đảng. Cấp ủy chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.

Gắn liền quá trình nêu trên, các cấp ủy toàn tỉnh coi trọng tổ chức các diễn đàn, hội nghị đối thoại để nhân dân trực tiếp tham gia, hiến kế xây dựng Ðảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Hai năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hàng trăm cuộc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Trong đó, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức ba cuộc đối thoại trực tiếp với cán bộ, nhân dân tại huyện Ðại Từ, thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình với hơn 800 cán bộ, đảng viên và người dân tham dự. Cấp huyện tổ chức 52 cuộc và cấp xã 247 cuộc. Qua đối thoại với lãnh đạo cấp tỉnh, huyện cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều vấn đề người dân bức xúc, kiến nghị đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sớm tiếp thu, giải đáp và chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời.

Ðây thật sự là diễn đàn để nhân dân trực tiếp tham gia góp ý, hiến kế xây dựng Ðảng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Ðảng được phát huy… là cơ sở quan trọng tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị trên địa bàn.