Ðảng bộ huyện Quảng Xương 75 năm xây dựng, trưởng thành

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thành lập vào tháng 7 năm 1930 và cũng trong thời gian này, đồng chí Phạm Tiến Năng, người con của quê hương Quảng Xương được kết nạp Ðảng Cộng sản, tổ chức phân công phụ trách Quảng Xương.

Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Quảng Xương khóa 26.
Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Quảng Xương khóa 26.

Tỉnh ủy viên lâm thời Phạm Tiến Năng cùng các đồng chí Ðái Xuân Lữ, Nguyễn Văn Giảng bí mật treo cờ đỏ búa liềm trên Cây đa làng Si (xã Quảng Chính) hưởng ứng Ngày Quốc tế lao động 1-5-1931, ủng hộ Xô-viết - Nghệ Tĩnh. Dưới dự lãnh đạo của tổ chức đảng, hoạt động tích cực của các đảng viên Cộng sản, thanh niên tiên tiến, phong trào cách mạng ở Quảng Xương phát triển sâu rộng trong đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ; rồi đấu tranh chính trị với phát triển lực lượng Việt Minh. Năm 1944, sau khi đồng chí Tố Hữu tuyên bố thành lập Ban Việt Minh huyện Quảng Xương, cao trào tiền khởi nghĩa càng phát triển mạnh mẽ. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Việt Minh Quảng Xương đã lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền thắng lợi trong cách mạng mùa thu Tháng 8 năm 1945 lịch sử. Ngày 26-2-1946, Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa kết nạp các đồng chí: Lê Quang Liệu, Vũ Thanh Long, Hà Văn Tuyên vào Ðảng; tuyên bố thành lập Chi bộ Cộng sản huyện Quảng Xương, giao đảm trách chức năng Huyện ủy lâm thời, cử đồng chí Lê Quang Liệu làm Bí thư. Theo đó, ngày 26 tháng 2 hằng năm được lấy làm Ngày thành lập Ðảng bộ huyện.

Ðảng bộ huyện Quảng Xương tiếp tục được kiện toàn, không ngừng lớn mạnh về chính trị, tư tưởng, quy mô tổ chức, lãnh đạo quân dân thực hiện nhiệm vụ hậu phương lớn, chiến trường gián tiếp trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Vùng biển nơi đây còn vang dội chiến công đánh đắm chiến hạm A-mi-ô-đanh-vin của Pháp; nơi đón tiếp, chăm sóc đồng bào, cán bộ miền nam tập kết ra bắc và lực lượng phòng không nhân dân Quảng Xương đã làm nên chiến thắng trận đầu tại Bến phà Ghép, cùng Hàm Rồng - Nam Ngạn, quân dân Thanh Hóa bắn rơi, bắn cháy 47 máy bay Mỹ trong hai ngày 3 và 4-4-1965; ngời sáng tấm gương thiếu niên Anh hùng Nguyễn Bá Ngọc. Cùng công nhân "vững tay búa, chắc tay súng", phụ nữ "ba đảm đang", nhân dân xã Quảng Vinh mang gỗ, ván, cánh cửa làm đường băng dọc bờ biển cho máy bay quân sự AN2 cất cánh; những ngư dân, dân quân biển dũng cảm tấn công tàu, đánh biệt kích địch xâm phạm vùng biển quê hương; rồi những gương tập thể, cá nhân thi đua "ba giỏi", hàng vạn dân công hăng say lao động, thi công đại công trường thủy lợi sông Thống Nhất, sông Lý, sông Hoàng, chế ngự thiên nhiên, cải tạo đồng điền, kiến thiết quê hương, đã góp phần cùng Ðảng bộ, quân, dân tỉnh Thanh Hóa và cả nước hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, viết tiếp những trang sử vẻ vang trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Huyện Quảng Xương đã được Ðảng, Nhà nước phong tặng "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" và trong huyện có tới 21 tập thể, 15 cá nhân được phong tặng danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động. Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân trong huyện luôn vun đắp, phát huy truyền thống kết nghĩa với Ðảng bộ, nhân dân huyện Hòa Vang, thành phố Ðà Nẵng; mãi khắc ghi công lao của 343 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 3.891 liệt sĩ, 1.714 thương binh đã hy sinh thầm lặng, dâng hiến tuổi xuân, máu xương cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Ðảng bộ huyện Quảng Xương cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đạt thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là 5 năm trở lại đây các ngành nông-lâm-thủy sản phát triển theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất hàng hóa tập trung. Trên địa bàn hình thành các khu công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lao động theo định hướng; các ngành tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng trưởng cao, dịch vụ, thương mại phát triển. Quảng Xương đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 15,5%, là đơn vị thứ hai trong tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba. Cùng với tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư vào khu vực này, nhất là sớm hoàn thành tuyến giao thông ven biển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế du lịch biển; huyện Quảng Xương được quy hoạch phát triển thêm các đoạn giao thông nhằm giảm mật độ phương tiện cơ giới lưu thông qua trung tâm huyện lỵ, kết nối vùng, mở rộng không gian phát triển đô thị. Huyện luôn trong nhóm dẫn đầu toàn tỉnh về giáo dục mũi nhọn, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, mức hưởng thụ vật chất, tinh thần, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. 5 năm trở lại đây huyện Quảng Xương hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 985 hộ người có công; giải quyết việc làm cho 23 nghìn lao động; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 1,24%. Từ chi bộ đảng với ba đảng viên buổi ban đầu, đến nay Ðảng bộ huyện Quảng Xương có gần 10 nghìn đảng viên sinh hoạt tại 49 tổ chức cơ sở đảng. Huyện tích cực sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ, quan tâm phát triển đảng viên, đẩy mạnh điều động, luân chuyển, đào tạo cán bộ qua thực tiễn; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; chăm lo củng cố thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, nhân thêm nguồn lực nội sinh, phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện nông thôn mới nâng cao và trở thành thị xã vào năm 2030.