Ấn tượng với nhiếp ảnh ảo

Nhiếp ảnh ảo là một hình thức nghệ thuật truyền thông mới, chuyên về những bức ảnh được chụp trong trò chơi điện tử hoặc thế giới ảo. Nhiều tác phẩm theo hình thức này đã được giới thiệu trong các phòng trưng bày nghệ thuật thực tế ảo (VR).
0:00 / 0:00
0:00
Một tác phẩm nhiếp ảnh ảo trên Flickr. Ảnh: FLICKR
Một tác phẩm nhiếp ảnh ảo trên Flickr. Ảnh: FLICKR

Những hình ảnh ảo phần lớn được lưu lại bằng cách chụp màn hình từ trò chơi điện tử hoặc VR. Tuy nhiên cũng có những nhà sáng tạo, các nhiếp ảnh gia số lưu lại những bức ảnh ba chiều sống động, hoặc xử lý hậu kỳ nhằm cho ra hình ảnh có chất lượng thẩm mỹ và độ phân giải cao. Trước đây, nền tảng lưu trữ Flickr cung cấp ba tùy chọn để phân loại nội dung gồm “ảnh”, “hình minh họa/ảnh nghệ thuật” và “ảnh chụp màn hình”. Theo AP, từ giữa tháng 9 vừa qua, “Chụp ảnh ảo/Machinima” đã được thêm vào danh mục thứ tư, giúp phân biệt những hình ảnh này với các ảnh chụp màn hình khác. Động thái này cũng đồng thời đáp ứng nhu cầu mở rộng của cộng đồng sáng tạo và đang phát triển này.

Nâng cấp từ chức năng chụp ảnh màn hình, hiện nay các nhà phát triển trò chơi và đồ họa đã phát triển nhiều bộ công cụ hoặc phần mềm có thêm chế độ máy ảnh. Chế độ này được thiết kế để cho phép “nhiếp ảnh gia ảo” có thể chỉ du lịch ảo chứ không cần phải chơi trực tiếp. Thế giới ảo thường có các điểm thu hút khách du lịch trong trò chơi, chẳng hạn như bãi biển, sân golf và các điểm vui chơi giải trí tại những địa danh nổi tiếng… Vì vậy cũng giống như chụp lại cảnh đẹp khi đi du lịch thông thường, nhiều người muốn chụp lại những bức ảnh bên trong các trò chơi hoặc chương trình VR.

Một số nhiếp ảnh gia VR nổi tiếng như Duncan Harris, Leo Sang có tác phẩm được treo trong các phòng trưng bày nghệ thuật ở Los Angeles (Mỹ) và London (Anh). Duncan Harris là cố vấn người Anh làm việc cho hãng chip Nvidia. Anh được biết đến với kỹ thuật sửa đổi các nhân vật trong game để biến chúng trở nên “ăn ảnh” hoặc tinh chỉnh cảnh quan số thành các tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Kỹ thuật xử lý hậu kỳ của Leo Sang cũng đưa anh trở thành một trong những kỹ sư hình ảnh game và VR được săn đón.

Dù còn nhiều tranh luận về việc chụp ảnh ảo có phải là một loại hình “nhiếp ảnh” hay không, song rõ ràng nhờ sự phát triển của công nghệ đồ họa, trò chơi và các chương trình thực tế ảo ngày càng trở nên chân thực nên chụp ảnh ảo cũng ngày càng phổ biến.