Ẩn số dòng tiền

Thị trường đang có mức định giá hấp dẫn với phần lớn cổ phiếu đã được chiết khấu sâu, nói như các chuyên gia chứng khoán là cơ hội vàng để gom “hàng” tích lũy. Nhưng thanh khoản èo uột chỉ trên dưới 10.000 tỷ đồng mỗi phiên là trở lực lớn, cho thấy dòng tiền vẫn chứa đựng nhiều ẩn số.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà đầu tư chưa sẵn sàng giao dịch. Ảnh: SONG ANH
Nhiều nhà đầu tư chưa sẵn sàng giao dịch. Ảnh: SONG ANH

Gian nan dò đáy

Thị trường chứng khoán lại vừa trải qua hai tuần đầy cảm xúc với diễn biến khó lường nhưng kết cục vẫn là tiêu cực. Sắc xanh của bảng điện tử luôn ở trạng thái mong manh vì cứ 1-2 phiên hồi phục thì ngay lập tức lại có 3-4 phiên sụt giảm với biên độ rộng hơn.

Đóng cửa phiên chiều 12/7, VN Index tăng khá tốt 19,53 điểm, tạm neo ở vùng chỉ số 1.174,82 điểm. Trước đó, sau hai phiên 27, 28/6 tăng lần lượt 17,34 và 15,28 điểm, VN Index lên được mức 1.218,10 điểm; nhưng ngay lập tức tại hai phiên sau đó rơi xuống mức 1.197,60 điểm (mất 20,5 điểm). Hôm 1/7, chỉ số nhích thêm được 1,3 điểm rồi lại rơi tự do ba phiên liên tiếp làm “bốc hơi” 49,29 điểm.

Đặc biệt, phiên 6/7 giảm 31,68 điểm đưa VN Index về 1.149,61 điểm đã chính thức làm thủng đáy thứ hai của thị trường hồi tháng 5 là 1.156 điểm. Từ đây, nhà đầu tư đã thất vọng hoàn toàn về mô hình hai đáy mà họ kỳ vọng trước đó, VN Index đã không thể vượt ngưỡng kháng cự 1.156 điểm. Việc chỉ số gãy đường xu hướng khiến nhiều người lo ngại mẫu hình tam giác hướng xuống có thể xảy ra và như thế công cuộc đốt đuốc tìm đáy vẫn còn gian nan.

Đáng lưu ý, đi liền với đà giảm điểm của thị trường là sự “khô hạn” dần của dòng tiền. Tính từ đỉnh 1.520 điểm được thiết lập hồi đầu tháng 4 đến 1.174,82 điểm hiện nay, thanh khoản của thị trường đã giảm từ 30.000 tỷ đồng/phiên xuống chỉ còn 10.000 - 12.000 tỷ đồng/phiên. Thậm chí, sau cú giảm sâu hôm 6/7, thanh khoản sụt giảm mạnh từ hơn 12.000 tỷ đồng về mức đáy hơn 9.000 tỷ đồng hôm 7/7.

Việc đường xu hướng giảm quanh mốc 1.160 điểm được “test” vài lần với nhịp phục hồi ngắn dần và thanh khoản kiệt quệ quanh 10.000 tỷ đồng là chỉ báo đáy ngắn hạn, nhưng trạng thái chưa sẵn sàng giải ngân của nhà đầu tư thì nói lên một điều rằng nhiều người vẫn e ngại nguy cơ tạo đáy mới.

“Giải mã” ẩn số dòng tiền

Với mức thanh khoản hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự đi lùi về giai đoạn năm 2008. Điều đáng nói, trái với quy mô thị trường và nền kinh tế ở mức thấp khi đó, hiện nay rõ ràng hàng hóa trên thị trường dồi dào, số lượng nhà đầu tư tăng mạnh, song thanh khoản lại yếu.

Theo các chuyên gia phân tích, sự “khô hạn” dòng tiền trên thị trường chứng khoán hiện nay bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, “room” (hạn mức tăng trưởng) tín dụng đã cạn, các ngân hàng tăng cường cắt tín dụng của những kênh đầu tư rủi ro (trong đó có chứng khoán. Bởi vậy dòng tiền rẻ không còn để chảy vào chứng khoán như trước đây.

Thứ hai, do diễn biến thị trường bất lợi, rủi ro vẫn còn nên các công ty chứng khoán tiếp tục khuyến cáo nhà đầu tư kiên trì chiến lược phòng thủ, tăng nắm giữ tiền mặt để chờ tín hiệu hồi phục rõ hơn, từ đó thanh khoản thị trường dần suy giảm.

Thứ ba, việc lãi suất huy động nhích dần trong khi thị trường chứng khoán tiêu cực cũng khiến một số nhà đầu tư quyết định bán cắt lỗ chứng khoán để lấy tiền gửi tiết kiệm. Trao đổi ý kiến với Thời Nay, Giám đốc một công ty chứng khoán ở Hà Nội cho biết, qua quan sát vị này nhận thấy vào những phiên thị trường hồi phục nhẹ, nhiều nhà đầu tư tăng cường bán ra và rút tiền khỏi tài khoản chứng khoán.

Trên thực tế vẫn còn nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt (do xả hàng đúng đỉnh) nhưng lo ngại rủi ro vẫn còn, tin đồn vẫn còn nên vẫn chưa sẵn sàng giao dịch.

Ngoài ra, việc lãi suất đồng USD tại Mỹ tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất điều hành thêm 0,75% hôm 16/6 khiến một bộ phận dòng tiền tại các thị trường mới nổi và cận biên (trong đó có Việt Nam) bị hút ròng cũng là một lý do làm thanh khoản thị trường giảm. Trên thực tế, sau khi FED nâng lãi suất, động thái bán ròng của khối nước ngoài đã gia tăng.

Một lý do nữa là gần đây nhiều công ty chứng khoán dư nguồn margin (giá trị giao dịch ký quỹ) do phần lớn nhà đầu tư hiện nay kiên trì nắm giữ cổ phiếu đã giảm sâu bằng “tiền thịt” của mình, áp lực bán giải chấp đã giảm nên thanh khoản cưỡng bức do bán giải chấp đã giảm.

Xét về triển vọng thị trường, nếu như đầu năm 2022 phần lớn công ty chứng khoán dự đoán VN Index sẽ đạt 1.600 - 1.700 điểm vào cuối năm 2022 (dự báo bi quan nhất là 1.600 điểm, lạc quan nhất là gần 1.900 điểm); thì cho đến giờ, tất cả các công ty chứng khoán đều đã điều chỉnh dự báo. Theo đó, trong kịch bản lạc quan, thị trường trong quý III/2022 sẽ đi ngang, dao động trong biên độ 1.180 - 1.350 điểm.

Với dự báo này, cộng với mức định giá P/E của VN Index hiện tại, thị trường trở nên hấp dẫn những nhà đầu tư theo trường phái giá trị, đặc biệt nhà đầu tư có sức mua lớn với tầm nhìn 1 - 3 năm. Theo lý thuyết, nếu “lướt sóng” thì dựa vào dòng tiền, còn đầu tư giá trị thì dựa vào thực lực doanh nghiệp cộng với định giá.

Theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, chuyên gia cao cấp chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, thanh khoản của thị trường đã thấp dần so giai đoạn đầu năm nay cũng như cùng kỳ năm ngoái. Đây là điều dễ hiểu do bên bán đã cạn dần áp lực trong khi bên chờ mua vẫn thận trọng. Còn để thanh khoản quay trở lại, thì về góc nhìn kỹ thuật, thị trường phải quay trở lại xu hướng tăng ngắn hạn. Thị trường sẽ hút thanh khoản nhiều hơn khi VN Index có thể vượt một số mốc kháng cự quan trọng hoặc vượt một số đường trung bình động như đường 20 ngày.