Dưới mái nhà xanh

NDO - Theo đoàn công tác của Tổ chức Trẻ em Việt Nam tại Ðà Nẵng về trao phương tiện sinh kế cho hộ phụ nữ nghèo đơn thân (PNNÐT) và học bổng cho con em các chị ở xã Hòa Phong (Hòa Vang, Ðà Nẵng), tôi được lắng nghe nhiều tâm sự và cả khát khao, nghị lực vươn lên thoát nghèo của những người phụ nữ kém may mắn trong cuộc sống.
Niềm vui của mẹ con chị Thủy.
Niềm vui của mẹ con chị Thủy.

Chúng tôi không cô đơn

Quãng đời buồn tủi, khốn khó đã trở thành quá vãng và cuộc sống giờ đây ngập tràn niềm tin và hạnh phúc. Mỗi khi nhắc đến quá khứ, chị Trần Thị Cảm ở thôn Nam Thành lại chạnh lòng tủi phận. Khi đã có mấy mặt con với một người đàn ông cùng làng, cuộc sống túng quẫn, chồng chị lấy cớ đi làm ăn xa và đành đoạn không về. Gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai gầy của chị. Chị tất tả cày mấy sào ruộng, rồi đi làm thuê, làm mướn. Năm 2010, trong đợt hỗ trợ phương tiện sinh kế của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Ðà Nẵng, chị được Chi hội Phụ nữ xã Hòa Phong cấp một con bò. Từ hai bàn tay trắng, chị có được chút vốn mà nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Bò được chăm mau lớn, sắp sinh một bê nhỏ. Lần này Tổ chức Trẻ em Việt Nam hỗ trợ năm triệu đồng làm chuồng bò, chị Cảm bỏ thêm hơn hai triệu chắt chiu được bấy lâu mua nguyên vật liệu, nhờ bà con hàng xóm mấy ngày công, gia cố chắc chắn, không còn thấp thỏm lo trời lạnh, bò không đủ ấm. Ðàn bò sinh sôi nảy nở sẽ là "của để dành" của cả nhà. "Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, hoang phí bao nhiêu cũng hết, biết chi tiêu tằn tiện và chịu khó làm lụng, cuộc sống sẽ bớt chật vật", chị Cảm bộc bạch. Tâm nguyện của chị cũng rất giản dị là được trời thương có sức khỏe làm ăn, nuôi ba con ăn học nên người, thoát khỏi cảnh khổ để không phụ sự quan tâm của mọi người và có điều kiện giúp nhiều phụ nữ đồng cảnh khác vươn lên.

Ai đó đã nói, trên vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ. Trong căn nhà chị Nguyễn Thị Thu Thủy ở thôn Bồ Bản 1 vừa được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ TP Ðà Nẵng và các hội, đoàn thể địa phương, bé Lê Nguyễn Ngân Thể cứ ngồi ngắm mãi chiếc xe đạp vừa nhận từ Tổ chức Trẻ em Việt Nam. "Mẹ ơi bữa nay con sẽ tự đạp xe đi học, mẹ không phải lo lắng nhiều nữa", chị Thủy ôm con lặng yên không nói nên lời.

Ðón xuân năm nay, mẹ con chị Thủy đầm ấm hơn nhiều. Rất may, căn bệnh thận hành hạ bấy lâu đã thuyên giảm ít nhiều tiếp thêm nguồn hy vọng cho người phụ nữ bất hạnh. Niềm vui nhân đôi khi sáng sáng, mẹ con chị đẩy xe nước mía xuống chợ. Chị nhẩm tính, mỗi bữa chợ bỏ tiết kiệm 10 nghìn đồng, để dành chi tiêu những ngày đau ốm. Khi được hỗ trợ phương tiện sinh kế và sáu triệu đồng tiền vốn để buôn bán, chị Thủy bán thêm các mặt hàng nhu yếu phẩm khác để tự quay vòng vốn. Còn tiền hỗ trợ sửa nhà, chị mua xi-măng, cát làm công trình phụ cho mẹ con bớt khổ. "Ở đời không ai khó mãi, em sẽ cố gắng bươn chải, vượt lên vì có con gái là động lực", chị Thủy quả quyết, mắt rơm rớm. Còn chị Nguyễn Thị Liền ở thôn Cẩm Toại Trung cũng phấn chấn không kém. Vừa trông thấy tôi, chị hồ hởi dẫn ngay ra sau nhà khoe "trang trại nấm mi-ni" với hơn 500 bịch nấm tai bèo, nấm sò. Có bốn triệu đồng hỗ trợ trồng  nấm, chị Liền dự tính bỏ thêm ít nữa để mở rộng diện tích, đặt thêm vài trăm bịch nấm. Là phụ nữ đơn thân, nuôi con nhỏ, lại đau ốm thường xuyên, nên trồng nấm là công việc nhẹ nhàng, phù hợp. Mùa này, mỗi ngày chị bán được vài cân nấm, có thêm đồng ra đồng vào mua thuốc men. Căn nhà ba mẹ con không còn chống chếnh mà ấm cúng, vững chãi hơn rất nhiều nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của mọi người.

Ðó là ba trong 18 hộ gia đình PNNÐT có hoàn cảnh đặc biệt nghèo của xã Hòa Phong vừa được tham gia dự án Nâng cao năng lực cho PNNÐT do Tổ chức Trẻ em Việt Nam tài trợ trọn gói hơn 260 triệu đồng với các chương trình như khám sức khỏe tổng quát và tần suất ung thư; hỗ trợ phương tiện sinh kế và học bổng cho con em PNNÐT. Căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ từ bốn đến hơn 22 triệu đồng để có điều kiện thoát nghèo bền vững. Nếu hoạt động hiệu quả, dự án tiếp tục nhân rộng trên nhiều địa bàn của huyện Hòa Vang, đúng như chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện Ðặng Phú Hành: "Với các mô hình cụ thể, thiết thực của các cấp hội phụ nữ, nguồn tài trợ các dự án và kinh phí đối ứng của huyện, hy vọng PNNÐT sớm thoát nghèo, đặc biệt là tạo được phong trào thoát nghèo bền vững khi các chị cam kết không tái nghèo".

Vì một tương lai xanh

Hòa Vang là huyện nông thôn duy nhất của TP Ðà Nẵng. Toàn huyện có 1.969 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ là 1.108 (56,2%). Với tinh thần tương thân tương ái, chị em trong Hội LHPN huyện giúp nhau vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống bằng những mô hình tiêu biểu, thiết thực như Mái nhà xanh, Hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học, Hũ gạo tình thương, Tiếp ức phụ nữ nghèo, Nuôi heo đất... Năm qua, phụ nữ Hòa Vang hỗ trợ sinh kế 22 con bò, 17 heo giống, 266 con gà, vịt, xây dựng bốn ngôi nhà tình thương... với tổng số hơn 1,1 tỷ đồng và 1.564 kg gạo, giúp 310 hộ thoát nghèo. Chủ tịch Hội LHPN huyện  Nguyễn Thị Hiệp trải lòng: "Kết quả phong trào phụ nữ giúp nhau thoát nghèo ở huyện đã được ghi nhận không chỉ bằng những con số báo cáo, mà thực sự cuộc sống PNNÐT đã được cải thiện rõ rệt. Ðáng mừng là chị em đã tự ý thức được vai trò của mình trong gia đình, không còn ỉ lại, chờ "viện trợ", gắn bó mật thiết hơn, cùng nhau xây dựng những mái nhà xanh - vừa làm kinh tế, nuôi dạy con cái trưởng thành và hăng hái tham gia các phong trào chung của hội".

* Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng có lẽ, điều còn lại và thiêng liêng nhất của những PNNÐT là tình yêu thương, trái tim bao dung và khát khao vượt khó. Họ quyết tâm vươn lên thoát nghèo, đương đầu với số phận, tự cố gắng để tìm lại hạnh phúc bên những đứa con, vững tin khi nhìn về tương lai phía trước.