Pháp đình “xộc xệch”

Các phiên tòa xét xử tội phạm diễn ra hằng ngày, tưởng đã “chuẩn không cần chỉnh” hóa ra không phải thế. Pháp đình chưa chuẩn từ năng lực chuyên môn cũng như cách bố trí chỗ ngồi cho từng chức danh của hội đồng xét xử.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Tòa lúng túng

Mất bình tĩnh, chưa uy nghiêm, thậm chí xúc phạm lẫn nhau tại tòa vẫn là “chuyện thường tình ở... huyện”.

Chuyện chỗ ngồi cho kiểm sát viên (KSV) thành vấn đề bàn bạc. KSV ngồi bên phải hay trái, đối diện với thư ký phiên tòa hay ngồi một bàn nhỏ độc lập với bàn của hội đồng xét xử? Lâu nay, các phiên tòa đang bỏ ngỏ chuyện này. Mặc dù không lớn, không ảnh hưởng đến chuyên môn nhưng thiếu chuẩn mực, do đó thiếu tính nghiêm minh của phiên tòa.

Vấn đề chỗ ngồi cho KSV không riêng gì huyện, tỉnh mà ngay ở một trung tâm lớn như TP Hồ Chí Minh là chuyện bàn cãi thường tình. Ông Mai Trung Thành - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) quận 1, cho biết: “Đại diện Viện kiểm sát (VKS) hay KSV tại tòa đang tùy tiện chỗ ngồi”. Qua nhiều phiên tòa, TP Hồ Chí Minh cũng đang đặt ra vấn đề chỗ ngồi cho các chức danh khác tham dự. Ví như chỗ ngồi cho công an, chỗ ngồi cho luật sư thiếu thống nhất...

Đọc cáo trạng tại tòa - công việc hết sức sơ đẳng nhưng để làm tốt không phải ai cũng làm được. Bởi nhiều người vẫn đọc giọng đều đều chưa có điểm dừng, chưa có điểm nhấn vào phần phạm tội của tội phạm. “Vai trò chức danh tại các phiên tòa còn lấn lướt nhau, thẩm phán của nhiều phiên tòa còn hỏi hết các vấn đề mà không dành câu hỏi cho KSV” - ông Dương Ngọc Hải, Phó Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh cho biết. Khi phiên tòa đi vào phần luận tội, bị cáo chối tội, thẩm phán không tìm được chứng cứ, không nắm được hồ sơ vụ án; khi phiên tòa phát sinh vấn đề mới thì thẩm phán tỏ ra lúng túng, luận tội chưa thuyết phục, tranh luận còn lan man... đó là điều mà ông Dương Ngọc Hải “lọc ra” trong một số phiên tòa xét xử.

Phiên tòa phải mở đúng giờ, đúng quy định... đơn giản vậy nhưng thực hiện chưa đúng. Mất bình tĩnh, chưa uy nghiêm, thậm chí xúc phạm lẫn nhau tại tòa vẫn là “chuyện thường tình ở... huyện”. Một số KSV thực hành quyền công tố tại tòa không nhìn xuống bị cáo, luận tội nhanh, vấp váp, thiếu tự tin. “Yếu tố con người tại các phiên tòa được phân công, KSV phải tự ý thức nâng cao trình độ, tác phong phù hợp với văn hóa pháp đình, kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa đang là vấn đề đặt ra. Xây dựng hồ sơ xét hỏi, luận tội chưa có tính thuyết phục...” - ông Nguyễn Huy Hải, Phó Viện trưởng VKSND quận 11 phàn nàn. Hạn chế bộc lộ ở công tác xét hỏi, phiên tòa có nhiều luật sư tranh tụng thì tòa án tỏ ra lúng túng, kỹ năng nghiệp vụ, thông hiểu về luật luôn bị các luật sư “đè” tại tòa.

Không bắt lỗi phiên tòa

Một trong những điểm yếu của KSV là khả năng hùng biện cũng như âm lượng, giọng nói nhỏ khi trình bày lời luận tội, chính vì vậy dù nội dung bản luận tội tốt cũng kém thuyết phục.

Tội lỗi của bị cáo đã có tòa xử. Còn lỗi của tòa, nhiều lúc còn là “tội lớn” nữa nếu như xử không đúng người đúng tội? Rất nhiều vụ án chỉ có lời khai mà không có gì chứng minh tại phiên tòa. Không làm kỹ, không yêu cầu các cơ quan lấy lời khai phải có người thân, có mối quan hệ với bị cáo chứng dám. Chấp nhận hay bác bỏ chứng cứ đưa ra tại tòa cũng như phần tranh tụng và tránh sự phản cung phụ thuộc vào chuyên môn của các KSV. Ông Võ Hồng Thiện, Phó Viện trưởng VKSND quận 2 cho góp ý: “Nếu có nhật ký điều tra thì tại phiên tòa chúng ta sẽ làm tốt hơn”.

Qua các vụ án đã xét xử tại TP Hồ Chí Minh, thống kê các lỗi thuộc về kiểm sát. Vụ Lê Hồng Vương giết người, KSV không có ý kiến khi chủ tọa không giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, không nêu lý do vắng mặt của người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Vụ Sử Thị Oanh mua bán trái phép hóa đơn, Lê Minh Pha cướp giật tài sản... KSV không đòi hỏi thư ký phổ biến nội quy phiên tòa. Hội đồng xét xử cho bị cáo Phạm Hữu Bằng phạm tội cướp giật tài sản, nói lời sau cùng khi đang trong phần tranh luận. Ở vụ án Huỳnh Văn Thanh giao cấu với trẻ em, Hội đồng xét xử không tuyên bố kết thúc phần tranh luận, không cho bị cáo nói lời sau cùng trước khi nghị án... KSV đến dự phiên tòa cũng chỉ để cho có mặt.

Về luận tội, nhiều bản luận tội sao chép nội dung cáo trạng, chưa đi sâu đánh giá phân tích tính chất, mức độ hành vi phạm tội, tình tiết định tội, định khung hình phạt, nhân thân bị cáo cũng như viện dẫn những chứng cứ nhằm chứng minh hành vi phạm tội để bảo vệ quan điểm truy tố. Viện KSND TP Hồ Chí Minh tổng kết: “Qua tham dự các phiên tòa rút kinh nghiệm nhận thấy, một trong những điểm yếu của KSV là khả năng hùng biện cũng như âm lượng, giọng nói nhỏ khi trình bày lời luận tội, chính vì vậy dù nội dung bản luận tội tốt cũng kém thuyết phục”. Bởi vậy, các phiên tòa mới chỉ dừng lại ở việc xét xử mà chưa có tính giáo dục cao, chưa có tính lan tỏa pháp luật đến toàn thể cộng đồng.

Nghị quyết 49-NQ/T.Ư ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, yêu cầu “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, coi đây là khâu đột phá trong hoạt động tư pháp”. Theo đó, Viện KSND TP Hồ Chí Minh sơ kết kết quả từ các phiên tòa rút kinh nghiệm.