Nhà văn Nguyễn Quang Vinh

Ám tượng cát - Tổ quốc và số phận con người

Hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Quang Vinh có cát, cát là bối cảnh, chứng nhân, liên kết các số phận. Hội viên ba hội quốc gia: nhà văn, sân khấu, điện ảnh - Nguyễn Quang Vinh sở hữu cường độ sáng tạo phi thường. Cát lại có mặt, máu thịt thiêng liêng trong tác phẩm mới sắp ra mắt của anh - Lời thề, tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam về chủ quyền đảo Hoàng Sa. Sống ở thủ đô từ tháng 11-2012, mới sau bảy tháng, Nguyễn Quang Vinh đã viết lượng tác phẩm “chóng mặt”. 

Chân dung nhà văn Nguyễn Quang Vinh. Ảnh: KHÁNH HIỂN
Chân dung nhà văn Nguyễn Quang Vinh. Ảnh: KHÁNH HIỂN

Anh vừa có kịch bản (KB) Sáng trong như ngọc một con người (Nhà hát Ca kịch Huế dàn dựng, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn) - tác phẩm sân khấu đầu tiên về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967) công diễn tại Huế và Tam Kỳ tháng 5 (vở có giải cao nhất của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) từ tối 26-5 rồi, sao 7-6 anh mới ra Hà Nội?

Mấy tuần qua, tôi sống ở Huế, xem Nhà hát Ca kịch Huế dựng, đem đi thi, rồi về lại đi Quảng Trị, làm tiếp KB Khe Sanh. Huế là quê hương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một nhân vật lịch sử lỗi lạc, đa tài: quân sự, trọng văn hóa nghệ thuật, làm kinh tế giỏi.

Ở cố đô, nơi tụ những dấu ấn thời đại, trong không khí tĩnh lặng, tôi được gần vùng lịch sử mà mình viết. Nhà lưu niệm Đại tướng ở quê Phong Điền là di tích quốc gia, còn nhà thờ ông ngay TP Huế trên đường Đặng Thái Thân, nhìn ra Đại Nội. Gần 46 năm trước, ngày 5-7-1967, Đại tướng đến ăn cơm ở nhà với Bác Hồ để hôm sau vào nam chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân, không ngờ là bữa cơm cuối, đêm đó Đại tướng từ trần. Ngay năm sau là chiến dịch Mậu Thân ở Huế và chiến thắng Khe Sanh - sự kiện tôi vừa viết KB và sắp tái dựng một phần.

Anh nói rõ hơn về sự kiện kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh mà anh viết KB và đồng đạo diễn?

Tối 7-7-2013, chương trình kỷ niệm 45 chiến thắng Khe Sanh sẽ truyền hình trực tiếp trên VTV1, từ sân bay Tà Cơn, Hướng Hóa - huyện miền núi Quảng Trị. Làm ở đây, vì sân bay Tà Cơn là trận đánh cuối cùng để giải phóng Khe Sanh. Đài Truyền hình (TH) Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị và huyện Hướng Hóa phối hợp tổ chức. Nhà báo Thu Uyên đã tìm gặp các nhân chứng, chuẩn bị cả năm cho sự kiện này. Để viết KB, tôi vào Khe Sanh hai lần và toàn ê-kíp họp với BTC hôm 3-6 tại đây. Rồi lại đi xe đò gần 200 km/lượt, ra Huế ngồi sửa. 

Tháng 1-2013, anh ra mắt tiểu thuyết Cát trọc đầu. Tôi đã đọc và bất ngờ. Chúng ta đã biết nhiều đến các tác phẩm ngợi ca chính nghĩa, tốt đẹp của những cá nhân được ghi nhận, nhưng Cát trọc đầu đưa ra một sự thật khác: Còn nhiều lắm những người hy sinh thầm lặng, bị lãng quên và không ít kẻ cơ hội, láu cá, được hưởng chức vụ, tôn vinh bằng xảo thuật vụ lợi. Đấy là câu chuyện thật? Sao cát cứ triền miên trong tác phẩm của anh?

Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Ba Đồn (Quảng Bình), sống cùng cát, mầu cát trắng kéo dài tới Quảng Trị. Tôi hiểu về đời lính qua quan sát thực tế từ các anh mình, từ những đoàn quân qua làng mình. Số phận con người nhiều thế hệ ở vùng cát thúc giục tôi viết. Ban ngày gió Lào cát bỏng; tối đến, trẻ con nô đùa, lứa đôi gặp gỡ, xoa cát nóng là gặp lớp cát dưới mát rượi. Dưới các động cát là những mạch nước ngầm rỉ ra, nước lọc trong cát siêu sạch, nấu lên rượu Ba Đồn ngon nổi tiếng. Nghĩa tượng trưng, mỗi con người trong vũ trụ này chỉ như hạt cát, nhỏ nhoi nhưng không thể biến mất, vẫn tiếp truyền đời sống, bản lĩnh sinh tồn.

Tôi đã xong đề cương và sẽ chuyển thể tiểu thuyết này thành KB phim TH 40 tập sau khi bàn bạc với ĐD Trần Quốc Trọng. Chưa hết, KB sân khấu Dưới cát là nước đang có vài đoàn quan tâm. Tôi quan tâm đến sự khốc liệt và bi kịch của những phận người, và chú ý mở rộng chiều thời gian và không gian.

Lời thề là tiểu thuyết sắp ra mắt mà anh dự đoán sẽ gây ấn tượng mạnh?

Đúng thế. Dự kiến cuối tháng này, tiểu thuyết Lời thề (NXB Hội Nhà văn, 400 trang) phát hành. Tôi viết cuốn này ở quê nhà Ba Đồn, trong suốt 49 ngày hương khói cho vợ. Rất nhiều bài báo, bài hát, phim, ảnh về Trường Sa, nhắc đến Hoàng Sa, chưa hề có tiểu thuyết viết về hai quần đảo này. Không chỉ do quần đảo thiêng liêng đang bị chiếm giữ, chính nhiệm vụ của nhà văn thôi thúc tôi. Tháng 4-2013, tôi nộp bản thảo sau một tháng dồn công sửa chữa. Lời thề là tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và lấy đảo làm bối cảnh chính.

Có thể coi đây là tiểu thuyết có tính lịch sử?

Tôi quan tâm đến sự khốc liệt và bi kịch của những phận người, và chú ý mở rộng chiều thời gian và không gian.

Tôi kỳ vọng là một “lịch sử kép” khi nó có tiếng vang và góp phần nối kết, nâng cao tình yêu nước, ý thức chủ quyền - bảo vệ đảo của thế hệ trẻ qua các độc giả trẻ. Tác phẩm lùi về lịch sử cả ngàn năm trước. Tìm hiểu sử liệu tôi thấy thời xa xưa ông cha ta có thủy binh mạnh. Cứ liệu khẳng định về Hoàng Sa chúng ta giữ được chỉ từ thời Minh Mạng triều Nguyễn, song hoàn toàn có cơ sở chủ quyền về Hoàng Sa. Đây là huyện đảo của Đà Nẵng; Hội An kề bên, đã có các thương nhân Nhật và nhiều nước tới đây làm ăn từ rất sớm, họ phải đi từ cửa biển vào. 42 chương hấp dẫn, sinh động kể về việc Hoàng đế nước Việt đã đưa quân ra đảo Cát Vàng. Theo cách nhìn của nhà văn, Cát Vàng (Hoàng Sa) từ thời ấy đã là chủ quyền nước Việt. Hết đợt lính này đến đợt lính khác, chiến đấu cam go, quyết liệt giữ đảo khi Hoàng thượng Bắc triều cho quân ra đánh chiếm. Muốn giữ đảo phải lập làng, vua đưa cả trai lẫn gái ra bám trụ, để lấy nhau, sinh con đẻ cái, tiếng trẻ con khóc là sự sống. Lý Nhất, lính ra đảo đợt đầu, là người còn lại cùng Lý Thắm. Họ sinh con trai, đứa con ấy sẽ lớn lên và tiếp tục giữ đảo. Hồn vía của tác phẩm nằm ở tinh thần, quan niệm của nhân vật chính. Không phải điều gì to lớn, Lý Nhất quý từng tấc đất, từng hạt cát, bãi phân chim hải âu trên đảo, ngọn rau muống biển và cả tiếng sóng vỗ bên đảo cũng thuộc về Đại Việt, là tài sản của Tổ quốc mà hết đời này đến đời khác phải giữ. Những thẻ bài, hài cốt còn lại trên đảo ghi dấu ý chủ quyền, ý thức truyền đời ấy.

Tác phẩm tiếp theo của anh?

Sẽ là tiểu thuyết công phu và lấy nhiều sức lực của tôi từ trước đến nay, tên tạm đặt Rơm rạ, khoảng 800 trang in, độc đáo về bố cục, viết về đời sống của những nông dân Việt Nam hiện nay.

Còn Nguyễn Quang Vinh của KB phim và những phóng sự gây xôn xao đâu rồi?

Tôi đang tuổi 54, muốn dồn sức cho tác phẩm tầm vóc, không có thời gian đi viết báo nữa. KB phim, nghề của tôi mà. Tôi từng “liều” đạo diễn cả phim truyện nhựa lẫn kịch nói. Còn nhiều ý tưởng lắm, sợ không có sức mà làm.

Anh sống ổn bằng nghề viết chứ?

Chỉ có viết, không làm gì khác. Cày chữ vất vả, nhưng sang. Làm một người viết đã có thương hiệu thì phải giữ, nên sẽ “cày” đến khi chết. Viết nhiều mà hay, được đón xem, không gì sung sướng bằng.

Ám tượng cát - Tổ quốc và số phận con người ảnh 1

“Nhà văn không tạo ra được chứng cứ bản đồ, thư tịch, nhà văn đồng hành với thân phận con người. Cuốn tiểu thuyết này là luận chứng về thân phận người Việt đã sống truyền đời trên quần đảo Cát Vàng mà hậu thế đặt tên là Hoàng Sa. Cuốn tiểu thuyết này ghi lại lời kể của những sinh linh đã sống, đã chết, đã tồn tại đời đời kiếp kiếp trên Hoàng Sa, những sinh linh gốc Việt. Cương giới Việt ở đây làm bằng xương cốt của nhiều thế hệ, vì thế nên cát mới vàng, mầu vàng của xương cốt, của hồn vía. Tầng tầng lớp lớp xương cốt Việt ở đây đã dẫn đường cho nhà văn tìm đến, để nghe họ kể lại, và ghi ra đây bằng tất cả những gì mà nhà văn cảm được, thấy được, nghe được. Cuốn tiểu thuyết bắt đầu lần theo những dấu chân người Việt cổ đầu tiên đặt lên quần đảo Cát Vàng, khi ấy quần đảo hoang vu, quần đảo mồ côi mà người Việt đã phát hiện, đã đặt tên, đã đưa hình hài nó vào hình hài Tổ quốc” - Lời mở đầu của nhà văn Nguyễn Quang Vinh trong tiểu thuyết Lời thề.