Khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh:

Ðã khó càng khó hơn

Hóa đơn năng lượng tăng vọt, giá thuê nhà leo thang, khủng hoảng chi phí sinh hoạt và lạm phát đã đạt mức cao kỷ lục trong nhiều tháng liên tiếp. Nhiều người dân ở Vương quốc Anh buộc phải tìm sự trợ giúp từ các ngân hàng lương thực để trang trải cho cuộc sống ngày một khó khăn của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Người sử dụng ngân hàng lương thực tăng nhanh ở khắp Vương quốc Anh. Ảnh | AFP
Người sử dụng ngân hàng lương thực tăng nhanh ở khắp Vương quốc Anh. Ảnh | AFP

Lương không theo kịp giá

Cô Nazmin Begum phải trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm và năng lượng của gia đình khi nước Anh đang trải qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong ba thập niên. Hồi đầu năm, các hóa đơn năng lượng cho căn hộ một phòng ngủ của cô tăng khoảng 70 bảng Anh (92 USD) trong ba tháng qua với lượng nhiên liệu tương tự. Cô làm việc tại siêu thị Tesco, nơi đã chứng kiến mọi thứ đều tăng giá. "Giá cả đang tăng", cô nói với CNN khi tới The Boiler House, nơi cung cấp phiếu mua hàng thực phẩm, giày dép và nhiên liệu giảm giá trong một tòa nhà gạch đỏ ở phía đông London.

Vào tháng 1, lạm phát giá tiêu dùng đạt 5,5% ở Vương quốc Anh - mức cao nhất kể từ năm 1992 do tình trạng thiếu sản phẩm và nhu cầu tăng đột biến khi các lệnh cấm vì đại dịch được dỡ bỏ - đã chạm mốc 9% vào tháng 4. Tiền lương không theo kịp tốc độ tăng giá. Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho biết, mức lương trung bình của người lao động sụt giảm mạnh nhất trong hơn bảy năm qua, tính đến tháng 1/2022. Theo Tổ chức Công đoàn (TUC) người lao động trung bình của Anh đã mất 11.800 bảng (14.426 USD) thu nhập thực tế kể từ năm 2008, do lương không tăng để tương thích với mức lạm phát.

Cuộc chiến ở Ukraine khiến chi phí năng lượng tăng vọt do giá xăng và dầu diesel đã tăng cao kỷ lục trong thời gian gần đây. Hàng triệu hóa đơn nhiên liệu của người dân đã đội lên vào tháng 10 năm ngoái khi cơ quan quản lý năng lượng của Anh tăng giới hạn giá tiêu dùng lên 12%, sau khi cuộc khủng hoảng cung cấp khí đốt tự nhiên toàn cầu đã đẩy giá bán buôn lên mức kỷ lục. Vào tháng 4 năm nay, giới hạn giá năng lượng tiếp tục tăng lên hơn gấp rưỡi, mức cao nhất từ trước đến nay, tạo gánh nặng cho 22 triệu người với hóa đơn hàng năm khoảng 2.000 bảng Anh (2.618 USD) và có khả năng tiếp tục tăng lên xấp xỉ 3.000 bảng Anh (3.927 USD) vào lần điều chỉnh trong tháng 10 tới.

Khoảng 7,3 triệu người trưởng thành sống trong các hộ gia đình cho biết họ đã không còn đồ ăn vào tháng tư, so với 4,7 triệu người của tháng 1. Shona Goudie, Giám đốc nghiên cứu chính sách tại The Food Foundation nói với tờ Independent: "Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang tác động nghiêm trọng đến khả năng của các gia đình trong việc chi trả thực phẩm cần thiết".

Cuộc chiến ở Ukraine đã hạn chế nguồn cung dầu hướng dương, tăng giá lúa mì và thức ăn chăn nuôi, đẩy giá thành của các sản phẩm thịt, sữa và bánh mì lên cao. Giá năng lượng và nhiên liệu cũng như chi phí lao động và vận tải tăng cao đã khiến giá cả đội lên nhanh chóng. Citibank của Mỹ cho biết lạm phát giá thực phẩm ở Anh có thể chạm mức 20% vào đầu năm tới.

Tổ chức từ thiện Boiler House Youth and Community Space đã mở kho thực phẩm của mình. Không giống như ngân hàng thực phẩm truyền thống, khách được lựa chọn các mặt hàng theo nhu cầu và chỉ trả khoản phí 6,50 bảng (8,50 USD) để nhận được thức ăn và đồ vệ sinh cá nhân tương đương 35 bảng (46 USD). Các dịch vụ của tổ chức từ thiện cũng đã mở rộng giúp thanh toán hóa đơn năng lượng cho các thành viên khi nhiều gia đình phải vật lộn với việc cắt giảm chi phí nghiêm trọng nhất trong nhiều năm. Anh David Mathurin, một nhân viên của The Boiler House phân phát các phiếu giảm giá mua nhiên liệu lên tới 49 bảng Anh (64 USD) do các tổ chức từ thiện cung cấp để giúp người dân thanh toán hóa đơn. "Nhu cầu đang rất cao", anh nói.

Ngân hàng lương thực cũng... khan lương thực!

Mức sống được dự báo sẽ giảm nhanh nhất kể từ những năm 1950 để đối phó với khủng hoảng. Các hộ gia đình nghèo có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, người già phải lựa chọn giữa sưởi ấm hoặc thực phẩm, cha mẹ phải nhịn để nhường bữa ăn cho con cái. Dữ liệu từ Tổ chức thực phẩm gần đây cho thấy, tỷ lệ các hộ gia đình cắt giảm thực phẩm hoặc thiếu ăn hoàn toàn tăng 57%, chỉ trong ba tháng.

Hệ quả tất yếu là việc sử dụng ngân hàng thực phẩm đang tăng nhanh. Theo Independent, ước tính khoảng hai triệu người đang nhận được trợ giúp thực phẩm khẩn cấp cho ba ngày từ Trussell Trust. Từ tháng 4 năm ngoái đến hết tháng 3 năm nay, các ngân hàng thực phẩm trong mạng lưới từ thiện của Anh đã phân phát hơn 2,1 triệu gói thực phẩm khẩn cấp cho những người gặp khó khăn, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Elizabeth Maytom, Giám đốc dự án của Ngân hàng thực phẩm Norwood-Brixton ở nam London cho biết, nhu cầu nội địa đặc biệt tăng mạnh trong thời gian gần đây và cho rằng điều đó "chưa từng xảy ra". Thậm chí "chúng tôi không có đủ hàng. Lần đầu tiên chúng tôi thấy có nhiều người cần được giúp đỡ đến vậy, kể cả những người trẻ tuổi và đang làm việc", bà nói.

IFAN (Mạng lưới hỗ trợ lương thực độc lập) cho biết hơn 80% trong số 194 ngân hàng thực phẩm của họ báo cáo đã phải vật lộn với các vấn đề cung cấp thực phẩm trong bốn tháng qua. Bà Kathy Bland, ngân hàng thực phẩm Leominster ở Herefordshire, một thành viên IFAN cho biết đã phát 179 gói thực phẩm vào tháng tư năm nay, so với 86 gói vào tháng tư năm trước. Bà nói: "Chúng tôi không thể thay thế hệ thống phúc lợi. Cung cấp sự hỗ trợ lâu dài cho những người không đủ tiền mua thực phẩm là không bền vững".

Tại Hazel Grove, một trong bảy ngân hàng lương thực tại Stockport, Greater Manchester, một phụ nữ ngoài năm mươi tuổi xin được giấu tên nói với tờ Metro rằng cô ấy "xấu hổ" khi phải đến ngân hàng lương thực. "Tôi chưa bao giờ phải sử dụng ngân hàng thực phẩm cả. Tôi không muốn nhưng thực sự không thể sống được nếu không đến đây. Giá cả đã tăng gấp đôi và thu nhập của tôi không còn bù đắp nổi nữa".

Bài toán khó giải

Theo CNN, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã phát ngôn vào tháng tư, rằng việc xoa dịu khủng hoảng chi phí sinh hoạt cho các gia đình không hề dễ dàng và hứa sẽ cắt giảm thuế kinh doanh để thúc đẩy đầu tư, đào tạo nhân viên và đổi mới.

Hồi đầu năm, Chính phủ đã cố gắng xoa dịu tình hình bằng cách cắt giảm thuế địa phương và thông báo cho phép hàng triệu người Anh có một khoản vay 200 USD giảm trừ vào hóa đơn năng lượng, được trả dần trong 5 năm tới. Một phát ngôn viên của Chính phủ nói với CNN rằng, họ sẽ "cung cấp gói hỗ trợ trị giá khoảng 12 tỷ bảng Anh (16 tỷ USD) trong năm tài chính này và năm tới, để giúp các hộ gia đình có thêm chi phí sinh hoạt", đồng thời nói rằng Chính phủ sẽ tăng mức lương tối thiểu thêm 1.000 bảng Anh một năm và tăng trợ cấp cho những người có thu nhập thấp với số tiền tương tự. Tuy vậy, những người chỉ trích cho rằng, phản ứng của Chính phủ như vậy là không đủ và không hướng đến những người cần nó nhất, chưa kể tự nhiên người dân lại chịu thêm một khoản vay không mong muốn.

Nhiều cuộc biểu tình, đình công đã nổ ra. Nhiều người Anh giận dữ xuống đường phản đối chi phí sinh hoạt tăng cao, phản đối lạm phát, đòi tăng lương, kêu gọi áp thuế đặc biệt đối với các công ty năng lượng như BP và Shell (RDSA), những công ty đã kiếm được hàng tỷ USD vào năm ngoái.

Ðã khó càng khó hơn ảnh 1
Người dân Anh xuống đường phản đối khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Downing Street tháng 4/2022. Ảnh | REUTERS

Tình hình ngày càng trầm trọng buộc Chính phủ Anh phải có những động thái mới. Vào tháng 5, Bộ trưởng Rishi Sunak đã công bố một gói hỗ trợ mới trị giá 15 tỷ bảng Anh giúp người dân vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ này. Trong số đó có khoản thanh toán một lần trị giá 650 bảng Anh cho tổng cộng tám triệu gia đình có thu nhập thấp. Các khoản thanh toán một lần trị giá 300 bảng cho những người hưu trí và 150 bảng cho những người nhận trợ cấp khuyết tật cũng đã được hiện thực hóa. Khoản vay 200 bảng Anh trước đó dành cho hóa đơn năng lượng vào tháng 3, hiện được tăng gấp đôi và các hộ gia đình sẽ không cần trả lại số tiền này nữa.

Tuy nhiên các tổ chức từ thiện và chống đói nghèo cho rằng, các biện pháp này chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, vẫn cần có những giải pháp lâu dài để bảo đảm mạng lưới an sinh xã hội phù hợp. Trước mắt những người dân Anh vẫn phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu và nhờ cậy ngân hàng lương thực để chờ đợi tình hình sáng sủa hơn.

Gần đây, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid và tiếp sau đó là Thủ tướng Anh Boris Johnson đã từ chức vì nhiều lý do, một trong những nguyên nhân là bất ổn kinh tế đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát.