7 tháng đầu năm 2021, Hà Nội thu ngân sách đạt gần 65% kế hoạch

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của Hà Nội trong tháng 7 có xu hướng giảm so với tháng 6 và cùng kỳ năm 2020. Xác định những tháng cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo từng lĩnh vực.

Thi công hầm chui Lê Văn Lương. (Ảnh: DUY LINH)
Thi công hầm chui Lê Văn Lương. (Ảnh: DUY LINH)

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của Hà Nội trong tháng 7 có xu hướng giảm so với tháng 6 và cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng 6 và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 41,4 nghìn tỷ đồng, giảm 7% so với tháng 6 và giảm 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm là 15.022 đơn vị, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, có 1.706 doanh nghiệp giải thể, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, vẫn có một vài chi tiêu có xu hướng phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 1% so với tháng 6 và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 7 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 4%). Chăn nuôi lợn có sự phục hồi, hoạt động tái đàn được chú trọng, đàn lợn tăng 13,9%, đàn trâu tăng 8,4%. Tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm ước đạt 152.176 tỷ đồng, đạt 64,6% dự toán Trung ương giao và đạt 60,6% dự toán thành phố giao, bằng 112,7% so với cùng kỳ 2020. Chi ngân sách địa phương ước đạt 35.380 tỷ đồng, đạt 32,6% dự toán và bằng 94,8% cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình này, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị ngay từ đầu tháng 8, phải bắt tay ngay vào việc xây dựng kịch bản tăng trưởng và giải pháp tăng trưởng của từng đơn vị theo cấp độ, diễn biến của dịch Covid-19. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế thành phố các tháng cuối năm trong bối cảnh dịch Covid-19, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trong tháng 8. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo từng lĩnh vực; chú trọng phát triển các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, tăng trưởng tốt trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm như công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải …

Thành phố Hà Nội sẽ cơ cấu cân đối nguồn lực để ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực trọng tâm. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ, nhân lực, vật tư thi công để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án khởi công mới trong năm 2021, nhất là các dự án, công trình giao thông trọng điểm; bảo đảm tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp theo kế hoạch. Lũy kế thanh toán vốn của Hà Nội từ đầu năm đến hết tháng 7 ước đạt 12.157 tỷ đồng, bằng 23,7% dự toán thành phố giao, là mức giải ngân thấp. Do đó, các sở, ban, ngành, chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu các cấp, ngành chịu trách nhiệm toàn diện trước Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện Kế hoạch vốn.

Các đơn vị tập trung tăng thu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu - cơ cấu nguồn thu ngân sách thành phố theo hướng hiệu quả, bền vững. Giảm tỷ trọng chi thường xuyên để dành nguồn chi đầu tư phát triển, dành nguồn lực cho phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tập trung sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh tái đàn, tăng cường các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm 2021.