Những phút giây hạnh phúc của mẹ con chị Nguyễn Thị Xuân Ái, điều dưỡng trưởng tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), sau ba tháng trực trên tuyến đầu chống dịch. Ảnh: NGUYỄN Á

Những phút giây hạnh phúc của mẹ con chị Nguyễn Thị Xuân Ái, điều dưỡng trưởng tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), sau ba tháng trực trên tuyến đầu chống dịch. Ảnh: NGUYỄN Á

Một năm bộn bề khó khăn, một năm mất mát không thể đo đếm hết, một năm mà tinh thần, ý chí và bản lĩnh Việt Nam càng thêm ngời sáng. Ứng phó thách thức do dịch dã gây nên, đóng góp sáng kiến, ý tưởng tích cực ở phạm vi toàn cầu..., Việt Nam tự tin bước vào năm mới với nội lực mạnh mẽ, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022, vì mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng vào giữa thế kỷ 21.

Khơi dậy ý thức dân tộc

Tình nguyện viên phát gạo cho người nghèo bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: CTV

Tình nguyện viên phát gạo cho người nghèo bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: CTV

Người xưa nói "nhất thủy, nhì hỏa", là muốn nói đến mối nguy hiểm, bất ngờ và sự tàn phá kinh hoàng của nó. Thời nay, khó có thể xếp dịch dã sau "thủy" và "hỏa" được. Bởi mức độ lây lan khủng khiếp, thời gian chớp lóe, xé toạc không gian của nó. Cho nên Đảng và Nhà nước ta chủ trương "chống dịch như chống giặc".

Hơn hai năm qua, "cơn bão" dịch Covid-19 đã quét qua hơn 200 quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Bây giờ nhìn lại suốt giai đoạn đất nước gồng mình chống giặc, trước mắt chúng ta hiện lên hình ảnh những thiên thần áo trắng hối hả lên đường, bất kể thời gian, thời tiết nóng hay lạnh, bất kể địa bàn miền núi hay miền xuôi, phía nam hay phía bắc.

Làn sóng dịch thứ tư bùng phát ở thành phố Chí Linh-Hải Dương vào dịp Tết Tân Sửu 2021. Thế rồi từ con sóng nhỏ thành những lớp sóng, những cột sóng lớn khắp Bắc Ninh, Bắc Giang, tiếp đến là Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Trong rất nhiều bất ngờ, thì bất ngờ nhất có lẽ là thứ virus biến thể bùng lên, lây lan với mức siêu nhanh tại TP Hồ Chí Minh, kế đến là Bình Dương và các tỉnh lân cận. Cho đến cuối năm nay, cơn bão ấy đã khiến cho hơn một triệu người dân đất Việt bị nhiễm bệnh, và hơn 23 nghìn người vĩnh viễn ra đi, hơn 2.600 trẻ mồ côi. Thật là đau xót! Lần đầu chúng ta tổ chức một Lễ cầu siêu cho hàng vạn người tử vong vì dịch bệnh, mong cho linh hồn người ra đi siêu thoát và nói với người đang sống: Hãy đừng bao giờ quên sự may mắn, nghĩa vụ, trách nhiệm của những người đang sống!

Với bác sĩ Nguyễn Đặng Phương Ngọc, tình người trước lằn ranh sinh tử thật cao quý, vậy nên giúp đỡ người khác cũng chính là giúp bản thân mình. Ảnh: Dương Minh Anh

Với bác sĩ Nguyễn Đặng Phương Ngọc, tình người trước lằn ranh sinh tử thật cao quý, vậy nên giúp đỡ người khác cũng chính là giúp bản thân mình. Ảnh: Dương Minh Anh

"Cơn bão" chưa ngưng. Chưa phải lúc ngồi lại cùng nhau tổng kết thật sự đầy đủ toàn diện về cuộc chiến chống dịch trong năm qua. Nhưng điều chắc chắn là, những gì đồng bào, chiến sĩ cả nước đã làm được thể hiện rõ sự thống nhất cao từ chủ trương tới hành động, khơi dậy sức mạnh vật chất, tinh thần của toàn dân tộc. Trong cuộc chiến ấy, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đã được nâng cao, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất. Có thể tham khảo nhận xét của các tổ chức quốc tế khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta. Gần đây, trang tin Times of India của Ấn Độ viết ngắn gọn: "Chính phủ Việt Nam đã chủ động bảo vệ người dân trước dịch bệnh". Nhờ đó đã khơi dậy được ý thức dân tộc và sức mạnh đoàn kết, thúc đẩy hành động tập thể và trách nhiệm cao, đồng lòng chống đại dịch.

Ấn tượng trong cuộc chiến đấu này còn thể hiện ở chỗ, chúng ta đã chủ động và liên tục thay đổi các giải pháp phòng, chống dịch. Những giải pháp đó nhiều khi bắt đầu từ những sáng kiến của các địa phương, cơ sở. Nhưng có điều thành công đáng ghi nhận là, cuối năm 2021, chúng ta đã cơ bản hoàn thành Chiến lược tiêm vaccine toàn quốc, phủ nhanh và phủ rộng. Đây là tấm lá chắn an toàn và hiệu quả nhất. Một chủ trương lớn tạo hiệu ứng mạnh mẽ, tích cực: chuyển hướng từ "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ là sự cụ thể hóa rõ ràng nhất cho chủ trương thực hiện "trạng thái bình thường mới". Không thể "tách" hết, "bóc" hết F0 ra khỏi cộng đồng. Chung sống với Covid-19, nhưng lại phải tỉnh táo, thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh mới.

Xin được nhắc câu nói của C.Darwin (1809-1882)-nhà tự nhiên học người Anh-có lẽ phù hợp trong lúc này: "Người chiến thắng không phải người khỏe nhất, càng không phải người thông minh nhất, mà là người giỏi thích nghi nhất". Những ngày cuối năm, từ thành phố đến làng quê như vừa hồi sinh. Trên các tuyến đường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã đông đúc trở lại. Nhà máy, công xưởng vào ca. Bầu trời đã "mở cửa". Các đường bay quốc tế từng bước nối lại. Chuyện bình thường thế mà cũng gian nan là thế.

Một năm bộn bề khó khăn sắp qua. Dẫu chưa thể kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, nhưng những cố gắng của đồng bào, đồng chí cả nước đã thêm một lần khẳng định tinh thần, ý chí và bản lĩnh Việt Nam. Bản lĩnh vượt khó sẽ tiếp thêm động lực để chúng ta bước vào năm mới với nội lực mạnh mẽ, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào giữa thế kỷ 21.

Nhìn lại một năm nhiều bộn bề, vượt qua cam go, thử thách, ở mỗi lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa,… đều đã để lại thành tựu và cả những bài học kinh nghiệm bổ ích.

Lửa thử vàng, gian nan thử… cán bộ

Cho đến nay, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng tình hình đã trong tầm kiểm soát. Hai năm phòng, chống dịch vừa qua, với các giai đoạn cũng đủ dài để nhìn thấy nhiều điều, rút ra nhiều kinh nghiệm về năng lực quản lý, điều hành của chính quyền nói chung, chính quyền địa phương nói riêng.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở được phát huy mạnh mẽ. Ảnh: Hoàng Tuyết

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở được phát huy mạnh mẽ. Ảnh: Hoàng Tuyết

Trước và trong thời điểm cao trào của đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội; ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn. Những giải pháp đó chỉ có thể đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả nhờ sự nỗ lực, sáng tạo và tận tâm của chính quyền địa phương các cấp. Nhờ thế mà chúng ta đã chứng kiến một Bắc Giang một mặt khoanh vùng dập dịch, mặt khác vẫn tiêu thụ được lượng nông sản rất lớn, đặc biệt là trái vải trong mùa chín rộ, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.

Bùng phát từ tháng 5/2021, đặc biệt là lây lan nhanh trong các khu công nghiệp với hàng chục nghìn công nhân, nhưng trong chưa đầy hai tháng, tỉnh Bắc Giang đã khoanh vùng và dập được toàn bộ dịch trong các khu công nghiệp. Hàng trăm nghìn lao động đã đi làm trở lại bình thường (trước khi dịch bùng phát địa phương này có tổng cộng 150.000 công nhân làm việc trong các khu công nghiệp), gần như trước khi có dịch.

Thế nhưng, nhìn lại diễn biến của các đợt bùng dịch vừa qua, phải rất thẳng thắn thừa nhận, năng lực điều phối để ứng phó sự cố khẩn cấp quy mô lớn của chính quyền địa phương-kể cả chính quyền các đô thị lớn với nhiều nhân lực, vật lực, phương tiện… - vẫn rất hạn chế. Sự lúng túng thể hiện rõ trong các quy định lòng vòng và lắm khi bất hợp lý trong kiểm soát hệ thống vận chuyển, logistics, đi lại của doanh nghiệp, của người dân đã dẫn đến sự đứt gãy của hệ thống cung ứng, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận xét rất xác đáng rằng, Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, kiên quyết không ban hành giấy phép con, không chia cắt, nhưng tại một số thời điểm, "có nơi quá lo lắng nên đã đặt ra yêu cầu cao hơn, đặt ra giấy tờ không phù hợp đi qua chốt kiểm soát, gây khó khăn, bức xúc cho người dân. Một số địa phương chưa tạo điều kiện cho người dân từ thành phố lớn về quê chống dịch".

Chỉ ra "nút thắt" nhận thức, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, cần áp dụng một chế độ trách nhiệm công bằng và cân bằng giữa hai mục tiêu: phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. "Nếu chỉ áp đặt cho lãnh đạo địa phương trách nhiệm về việc để xảy ra Covid-19 lây lan thì họ sẽ không để tâm đến mục tiêu kinh tế. Cần tháo gỡ vướng mắc ở các thủ tục, chính sách cần thiết, tạo nên sự nhất quán trong hành xử từ trung ương đến địa phương", ông nói. Cụ thể hơn, TS Dũng đề nghị, nếu như trước đây chế độ trách nhiệm là: "Để dịch bệnh bùng phát người đứng đầu phải chịu trách nhiệm", thì nay cần điều chỉnh thành: "Phải kết hợp hài hòa giữa khống chế dịch bệnh với phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, không đạt được mục tiêu này người đứng đầu phải chịu trách nhiệm".

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", hay nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ứng phó dịch bệnh cũng là một thử thách để đánh giá cán bộ.

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường; tuy để lại những hậu quả hết sức nặng nề, nhưng một lần nữa để chúng ta thấy rõ rằng, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia nói chung và năng lực của chính quyền địa phương nói riêng là nhiệm vụ bức thiết hơn bao giờ hết.

Dấu ấn ngoại giao 2020-2021:

Thử thách kép, thắng lợi kép

Trong công tác đối ngoại, kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, lấy nguyên tắc "dĩ bất biến ứng vạn biến" làm kim chỉ nam cho mọi hành động từ đó giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt, trong khoảng năm 2020-2021, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc đồng thời trọng trách kép: Chủ tịch luân phiên của ASEAN và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Ngay khi tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đề xuất chủ đề của năm ASEAN là "Gắn kết và Chủ động thích ứng". Tuy nhiên, sự bùng phát và lây lan nhanh của đại dịch Covid-19 đã buộc Việt Nam phải điều chỉnh kịch bản, cách thức tổ chức và nội dung.

Hơn 500 cuộc họp được chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Với tư cách là chủ tịch, Việt Nam đã nhanh chóng thúc đẩy hợp tác trong nội khối và giữa ASEAN với các đối tác để cùng ứng phó Covid-19, qua các tuyên bố và hành động cụ thể như: Thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với đại dịch Covid-19; thành lập Kho dự phòng khẩn cấp cung cấp vật tư y tế công cộng; cũng như đưa ra các khuôn khổ và biện pháp thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau dịch thông qua phát triển du lịch, nông nghiệp và việc làm.

Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, tối 12/11/2021, theo giờ Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, tối 12/11/2021, theo giờ Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Điểm nổi bật nữa trong Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) đã được các nước liên quan ký kết. Tựu trung, hơn 80 văn kiện-số lượng lớn nhất trong lịch sử ASEAN-được ký kết và thông qua, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN. Và Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực để trở thành trụ cột mạnh mẽ, đáng tin cậy và đặc biệt trong ASEAN, góp phần giữ vững sự liên kết và đà phát triển của ASEAN.

Nói về vai trò và những dấu ấn Việt Nam đậm nét trong hoạt động của Liên hợp quốc hai năm qua của Việt Nam, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh: "Việt Nam cho thấy những cam kết mạnh mẽ của một quốc gia luôn tích cực nỗ lực xây dựng lòng tin và đối thoại, làm cầu nối tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới".

Bên cạnh việc đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020 và tháng 4/2021, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến tổ chức và đề xuất thảo luận nhiều chủ đề quan trọng ở tầm thế giới, trong đó có những chủ đề lần đầu được thảo luận, để lại dấu ấn sâu sắc như: Tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, Hợp tác ASEAN-Liên hợp quốc; Khắc phục hậu quả bom mìn, vai trò của các tổ chức khu vực và bảo vệ cơ sở thiết yếu; Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và duy trì hòa bình; Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự và phát biểu tại phiên thảo luận mở trực tuyến cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ đề “Tăng cường chủ nghĩa đa phương và hệ thống quốc tế với Liên hợp quốc là trung tâm”. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự và phát biểu tại phiên thảo luận mở trực tuyến cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ đề “Tăng cường chủ nghĩa đa phương và hệ thống quốc tế với Liên hợp quốc là trung tâm”. Ảnh: TTXVN

Hai trong số nhiều đề xuất và sáng kiến của Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an thông qua là Nghị quyết A/RES/75/27, được 107 quốc gia đồng bảo trợ, về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh, và Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an về sự gắn kết giữa Liên hợp quốc/Hội đồng Bảo an với các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột.

Những dấu ấn ngoại giao này "góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Đất nước ta sau 35 năm đổi mới như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, làm cho "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", đồng thời sẽ là tiền đề và nguồn cổ vũ to lớn để ngành ngoại giao khẳng định vai trò tiên phong và tiếp tục có những đóng góp xứng đáng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Dưới sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của Đảng, sự phối hợp đồng bộ, triển khai quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã cơ bản kiểm soát có hiệu quả đại dịch, chủ động đưa đất nước vào trạng thái bình thường mới, "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để" phát triển kinh tế-xã hội".

Không gian kinh doanh mới

Cho dù đứt gãy, khó khăn là những từ được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2021, nhưng khi nhìn lại, giới kinh doanh và cả các chuyên gia nghiên cứu lại muốn chia sẻ nhiều hơn về không gian phát triển của tư duy kinh doanh mới.

Nhìn rộng ra trên cả nước, không phải toàn bộ doanh nghiệp đều có thể trở lại hoạt động. Con số doanh nghiệp đóng cửa, tạm dừng vẫn đang rất nhức nhối trong các bảng thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với khoảng gần 10.000 doanh nghiệp/tháng. Vậy nên, với ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty tư vấn Economica Việt Nam, những doanh nghiệp như Đồng Tâm, Phúc Sinh đã và sẽ đóng góp rất lớn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam ở cả khía cạnh đóng góp vào GDP và quan trọng là tham gia vào thay đổi cơ cấu ngành.

"Một đất nước lợi thế nông nghiệp lớn, đang lựa chọn ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao như Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư, chuyển dịch chuỗi giá trị sau những tác động của đại dịch", ông Bình nói.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: T.T

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: T.T

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã nhắc đến điều này. Thậm chí, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển chiến lược và thương hiệu còn gọi đây là thời đại của những xu thế mới xanh hơn, thông minh hơn và nhân văn hơn.

Nhưng vấn đề của nền kinh tế Việt Nam là sau ba thập niên kể từ khi có Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (năm 1992), dù số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhanh, nhưng cơ cấu doanh nghiệp trong các ngành nghề, lĩnh vực không có nhiều thay đổi. Chiếm ưu thế vẫn là các ngành dịch vụ, trong đó chủ yếu là nhóm ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa. Tiếp sau đó là công nghiệp, xây dựng... Tỷ lệ doanh nghiệp các ngành nông, lâm, ngư nghiệp rất thấp.

"Tôi cảm thấy lo ngại khi thấy chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp nông nghiệp trong tổng số hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm. Cùng với đó là quy mô các doanh nghiệp nhỏ, hiệu quả hoạt động so với các ngành khác thấp hơn, năng suất lao động cũng kém hơn. Chúng ta sẽ tận dụng lợi thế và định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao như thế nào? Sự chủ động của riêng lẻ các doanh nghiệp không thể là lời giải", ông Bình đặt câu hỏi.

Cũng cần phải nhắc đến những khuyến nghị của GS Nguyễn Đức Khương, Học viện Kinh tế IPAG (Pháp) khi chia sẻ những động thái mới nhất của giới kinh doanh toàn cầu. Trong vòng hai năm trở lại đây, các doanh nghiệp Singapore đầu tư mạnh mẽ vào số hóa, gồm cả quy trình, kỹ năng cho doanh nghiệp và người lao động. Các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh; xây dựng các ngành công nghiệp thực phẩm có giá trị cao cũng đang tăng lên mạnh.

Áp dụng công nghệ tưới tự động tại vùng nguyên liệu chè ở huyện Anh Sơn (Nghệ An). Ảnh: Quang Dũng

Áp dụng công nghệ tưới tự động tại vùng nguyên liệu chè ở huyện Anh Sơn (Nghệ An). Ảnh: Quang Dũng

Các doanh nghiệp châu Âu, Bắc Mỹ tiếp tục kế hoạch chuyển nhanh sang thích ứng nhanh nhẹn, theo nghĩa định hình lại chiến lược, cấu trúc, quy trình, con người, công nghệ thông minh hơn. Đặc biệt, chiến lược đặt nhà máy tại thị trường tiêu thụ đang được quan tâm, thông qua thiết kế lại chuỗi cung ứng và coi sự thay đổi môi trường kinh doanh là lợi thế cạnh tranh.

Còn các doanh nghiệp Nhật Bản xác định tập trung vào yếu tố con người, vì chuyển đổi số không phải là bài toán của công nghệ mà là bài toán con người. Các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, ưu tiên môi trường, xã hội và xây dựng hệ thống quản trị.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận, đánh giá để xác định các quyết định đầu tư để dành nguồn lực phù hợp. Mục tiêu ưu tiên không chỉ là lợi nhuận mà là khả năng kháng cự với các cú sốc, là khả năng đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng, trong đó chuyển đối số là yêu cầu tất yếu và là chiến lược ưu tiên đầu tư...

Việc các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát huy hiệu lực ngay từ đầu năm 2022 không chỉ giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ các xu thế mới, mà còn mở ra không gian phát triển mới cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế.

Lấp khoảng trống trong hệ thống y tế

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống y tế nước ta đang phải căng mình trước dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, y tế cơ sở ở nhiều địa phương quá tải. Thách thức của đại dịch đòi hỏi Việt Nam nỗ lực tăng cường giải pháp ứng phó, lấp đầy các khoảng trống trong hệ thống y tế.

Nhìn về hệ thống y tế ứng phó với đại dịch, GS, TS Nguyễn Văn Kính-Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam phân tích, Việt Nam đã trải qua bốn làn sóng Covid-19 trong hai năm qua. Trong ba làn sóng đầu, khi virus chưa biến đổi, số ca mắc còn ít, hệ thống y tế trong nước đã đáp ứng được khá tốt việc đối phó dịch bệnh. Chính sách đối phó dịch lúc này là Zero Covid. Tuy nhiên, khi biến chủng Delta lây lan vào Việt Nam khiến lượng bệnh nhân tăng đột biến, thì Việt Nam lựa chọn chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Vaccine đã góp sức lớn vào chiến lược ngăn chặn đại dịch.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 18/12, cả nước đã tiêm gần 137,6 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó hơn 75 triệu liều mũi một, gần 60,2 triệu liều mũi hai và hơn 1,1 triệu liều bổ sung/nhắc lại. Hiện tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 97% và tiêm đủ hai liều là 81,6% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Trong tình hình mới hiện nay, GS,TS Nguyễn Văn Kính đề xuất, về mặt Nhà nước, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 để đáp ứng yêu cầu cấp bách và thực tiễn nảy sinh.

Các tình nguyện viên chương trình "Bữa cơm yêu thương" cung cấp suất ăn chuyển đến y, bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, những hoàn cảnh nghèo khó tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TH

Các tình nguyện viên chương trình "Bữa cơm yêu thương" cung cấp suất ăn chuyển đến y, bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, những hoàn cảnh nghèo khó tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TH

Thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với phân cấp, phân quyền, lấy cơ sở, xã, phường, thị trấn làm nền tảng trong phòng, chống dịch, kết hợp hài hòa giữa thực hiện "bốn tại chỗ" với huy động lực lượng tăng cường (y tế, quân đội, công an). Về mặt chuyên môn, cần bảo đảm tiến độ triển khai tiêm vaccine, tạo mọi điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước. Thúc đẩy nhanh nhất việc sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trong nước, bảo đảm sản xuất được ít nhất một loại thuốc điều trị đặc hiệu trong năm 2022-2023, chủ động nguồn thuốc điều trị. Nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Với mạng lưới trạm y tế xã, phường cần được điều chỉnh nhằm bám sát địa bàn dân cư, được bảo đảm biên chế nhân lực y tế tương thích với yêu cầu chăm sóc sức khỏe phổ quát theo nguyên lý y học gia đình cho quy mô dân số phục vụ. Trạm y tế xã, phường cần được bố trí đủ số lượng bác sĩ đa khoa/bác sĩ gia đình có kiến thức và kỹ năng thực hành, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế cơ bản. Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy, để bảo đảm chất lượng chăm sóc, mỗi bác sĩ gia đình chỉ nên phục vụ khoảng 1.500 dân…

Cụ thể hơn, TS, BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam khuyến nghị: Trong tình trạng quá tải y tế hiện nay không nên và không thể điều trị tập trung toàn bộ F0 tại bệnh viện. Phần lớn trong số họ là không có triệu chứng và tự chăm sóc tại nhà sẽ tốt hơn về sức khỏe thể chất và tinh thần cho bản thân F0, tốt hơn cho hệ thống y tế (không bị quá tải) và tốt hơn cho cả các F0 có tình trạng bệnh nặng khác thực sự cần được đến bệnh viện (có giường bệnh và có bác sĩ) và từ đó góp phần giảm tỷ lệ tử vong. Vì vậy, cần một chương trình giáo dục sức khỏe cho cộng đồng để bệnh nhân và người nhà biết cách tự chăm sóc bản thân khi F0 ở nhà là cần thiết.

Nhân viên Trạm Y tế phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (Hà Nội) lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tổ 32. Ảnh: Anh Sơn

Nhân viên Trạm Y tế phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (Hà Nội) lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tổ 32. Ảnh: Anh Sơn

Thiếu nguồn lực đầu tư được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới hệ quả trực tiếp là năng lực cung ứng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở chưa theo kịp nhu cầu thực tế, đặc biệt là trong những tình huống đặc biệt khẩn cấp về y tế công cộng. Đã đến lúc cần xác định hướng đi lâu dài cho việc xây dựng nguồn nhân lực y tế cơ sở nói riêng và ngành y tế nói chung. Muốn vậy cần cải cách tiền lương và chế độ đãi ngộ đặc biệt, cung cấp hỗ trợ tài chính và sự ghi nhận cho nhân viên y tế tuyến đầu.

Thách thức trong chuyển đổi số giáo dục

Nhóm học sinh lớp 1 phải chịu tác động nhiều nhất khi phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Trúc

Nhóm học sinh lớp 1 phải chịu tác động nhiều nhất khi phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Trúc

Có thể nói, do đã được "diễn tập" từ năm 2020, nên sang năm 2021, việc triển khai dạy học trực tuyến ở các cấp học có thuận lợi hơn. Tuy nhiên, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã linh hoạt trong việc chuyển trạng thái "thời dịch", song cũng vẫn bộc lộ những lúng túng trong việc triển khai chuyển đổi số trong giáo dục.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ giữa năm ngoái. Theo đó, giáo dục-đào tạo là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện. Chuyển đổi số có ảnh hưởng và tác động vô cùng lớn đối với giáo dục-đào tạo, dựa trên công nghệ số việc dạy-học sẽ được triển khai một cách khoa học hơn, hiệu quả hơn. Các hoạt động dạy-học không chỉ bó hẹp ở không gian lớp học truyền thống mà có thể học mọi lúc, mọi nơi qua môi trường số.

Tuy nhiên, sang năm 2021, dịch Covid-19 kéo dài và ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước đã không thể cho học sinh tới trường. Và những bất cập của việc học trực tuyến khi hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu đồng bộ cũng bộc lộ rõ, nhất là ở những vùng khó khăn. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tạm thống kê đến cuối quý III/2021, trong số khoảng 7,35 triệu học sinh đang học trực tuyến tại 26 tỉnh, thành phố có tới 1,5 triệu em không có thiết bị học trực tuyến. Với 2.000 điểm lõm sóng internet, nhiều địa phương đã không dám đăng ký nhận hỗ trợ máy tính vì khó triển khai học trực tuyến.

Nên tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, tìm nhà ở, hỗ trợ chi phí đi lại cho người lao động khi tham gia tuyển lao động.

Các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp các trung tâm dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp địa phương để tổ chức đào tạo cho người lao động thất nghiệp chưa tìm được việc làm từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Những câu chuyện xứng đáng được kể

Màn đại xòe của hàng trăm diễn viên quần chúng tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). Ảnh: Thanh Chương

Màn đại xòe của hàng trăm diễn viên quần chúng tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). Ảnh: Thanh Chương

Các diễn viên quần chúng trong màn múa xòe. Ảnh: Thanh Chương

Các diễn viên quần chúng trong màn múa xòe. Ảnh: Thanh Chương

Các đại biểu trải nghiệm ứng dụng imuseum VFA tại lễ ra mắt ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Các đại biểu trải nghiệm ứng dụng imuseum VFA tại lễ ra mắt ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cảnh chiến đấu của Dam San và Mtao Msei trong ca kịch "Khát vọng Dam San". Ảnh: Sao Mai

Cảnh chiến đấu của Dam San và Mtao Msei trong ca kịch "Khát vọng Dam San". Ảnh: Sao Mai

Item 1 of 4

Màn đại xòe của hàng trăm diễn viên quần chúng tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). Ảnh: Thanh Chương

Màn đại xòe của hàng trăm diễn viên quần chúng tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). Ảnh: Thanh Chương

Các diễn viên quần chúng trong màn múa xòe. Ảnh: Thanh Chương

Các diễn viên quần chúng trong màn múa xòe. Ảnh: Thanh Chương

Các đại biểu trải nghiệm ứng dụng imuseum VFA tại lễ ra mắt ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Các đại biểu trải nghiệm ứng dụng imuseum VFA tại lễ ra mắt ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cảnh chiến đấu của Dam San và Mtao Msei trong ca kịch "Khát vọng Dam San". Ảnh: Sao Mai

Cảnh chiến đấu của Dam San và Mtao Msei trong ca kịch "Khát vọng Dam San". Ảnh: Sao Mai

Càng về cuối năm, những sự kiện được tổ chức, ghi nhận đã khiến cho hành trình 2021 trở nên đậm nét. Đặc biệt, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba được tổ chức đã trở thành dấu mốc khởi đầu cho một chặng đường phát triển mới, với tiêu chí: Văn hóa cần được đặt đúng vị trí, thật sự trở thành yếu tố nền tảng, động lực cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Cũng đã một khoảng thời gian không phải là ngắn, dù luôn nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, song, do quá chú trọng mục tiêu phát triển kinh tế, nên chỉ khi những hệ lụy tiêu cực do lơi lỏng, thiếu quan tâm đến yếu tố nền tảng quan trọng này, chúng ta mới thật sự... giật mình. Chính bởi vậy, với Hội nghị đặc biệt được tổ chức ngày 24/11, những người yêu văn hóa và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa đã có cơ hội được chỉ ra, nhận diện những tồn tại và đề xuất phương thức, giải pháp để thay đổi hiện trạng, từng bước nâng tầm cho nền văn hóa dân tộc.

Sáu nhiệm vụ trọng tâm đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định tại Hội nghị, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc. Nhiều giải pháp cũng đã được đề xuất và đang được các cấp, ngành tích cực triển khai. Sẽ không thể là câu chuyện ngày một, ngày hai để nhận thấy những kết quả tích cực trong sự chuyển động của đời sống văn hóa. Và bởi vậy, rất cần sự bền bỉ, quyết liệt và nhanh chóng của các cơ quan liên quan, của mỗi cá nhân, tổ chức. Khi nhận thức đã được đặt lại đúng đường ray, thì mỗi nỗ lực, dù là nhỏ bé, đều sẽ trở thành động lực cho sự chuyển động tích cực.

Năm thứ hai bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, các ngành văn hóa, nghệ thuật, nhất là nghệ thuật biểu diễn đã gần như kiệt quệ, và người hoạt động trong ngành này vẫn đang tiếp tục phải gắng gỏi chống chọi với khó khăn để neo giữ với nghề. Có một điều đặc biệt là, càng trong khó khăn, thử thách, thì tình yêu nghệ thuật càng cháy bỏng, tỏa sáng trong trái tim của những nghệ sĩ đích thực. Không trực tiếp đến được với công chúng, các nghệ sĩ đã tìm ra nhiều phương thức để lan tỏa các giá trị tốt đẹp vào cuộc sống.

Từ các chương trình biểu diễn online, các buổi diễn trong các bệnh viện dã chiến phục vụ y, bác sĩ và bệnh nhân mắc Covid-19, kêu gọi từ thiện và trực tiếp tham gia tình nguyện trên tuyến đầu chống dịch hay gắng gỏi vượt khó khăn, đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau và vẫn tiếp tục sáng tạo trong tâm thế sẵn sàng trở lại bất cứ khi nào có thể... hơn lúc nào, nhiều nghệ sĩ đã thật sự ý thức được thiên chức của mình, để nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, mang đến những giá trị tinh thần tốt đẹp cho xã hội trong thời khắc khó khăn này. Và bởi vậy, trong những cuộc liên hoan nghệ thuật như Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp 2021 đợt 1, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22..., những thành quả được ghi nhận không thuần túy về chất lượng nghệ thuật, mà chứa cả những ý nghĩa đặc biệt về ý chí, nghị lực của đội ngũ những người làm nghệ thuật.

Một năm thành công trong nỗ lực chuyển đổi số ở nhiều ngành, lĩnh vực văn hóa. Đại dịch Covid-19, ở một khía cạnh khác, lại là cú huých không mong muốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tiến bước mạnh mẽ, hiệu quả, đặc biệt trong hoạt động của nhiều bảo tàng và thư viện.

Không chấp nhận khoanh tay ngồi nhìn thực trạng vắng khách do đại dịch, nhiều bảo tàng, thư viện đã chủ động tổ chức các cuộc triển lãm trực tuyến, xây dựng nhiều công cụ hỗ trợ mang đến trải nghiệm thú vị cho công chúng. Sách điện tử, sách nói đã có sự phát triển đột phá, không chỉ mở hướng cho ngành xuất bản vượt qua khó khăn, mà còn góp phần mang đến những sản phẩm văn hóa chất lượng hỗ trợ đời sống tinh thần cho xã hội.


Ngày xuất bản: 28/12/2021
Tổ chức sản xuất: Vũ Mai Hoàng
Nội dung: Lưu Hương Giang, Ngô Phương Thảo, Hải Đường, Phạm Quang Minh, Nguyễn Hồng Hải, Cẩm Hà, Khúc Hồng Thiện, Võ Hoàng, Minh Phú, Hà An, Tuyết Ánh
Trình bày: Phan Anh, Duy Long