17 năm tình nguyện vá đường

Trần Minh Trung cao hơn một mét bảy, mắt sáng và nụ cười hiền, đủ đốn tim không ít cô gái xứ cù lao. Nhưng 38 tuổi, chàng trai vẫn chưa chịu lấy vợ, nghe nói nguyên nhân vì một lần anh cao hứng tuyên bố: “Chưa lấy vợ chừng nào đường xấu chưa vá xong”.
0:00 / 0:00
0:00
Trung đốt nhựa vá đường chính ở cù lao Tân Lộc.
Trung đốt nhựa vá đường chính ở cù lao Tân Lộc.

Cù lao xanh in dấu chân tình nguyện

Phóng xe trên những nẻo đường của cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, TP Cần Thơ) dưới tán cây ăn trái xanh mướt sum suê, du khách xa gần đều có cảm giác thư thái, thảnh thơi. Những con đường nhựa êm ả vẫn còn in dấu vết chàng trai trẻ Trần Minh Trung và đội vá đường tình nguyện đã kỳ công dặm vá từ gần 20 năm trước.

Ông Bùi Văn Hai, 97 tuổi, một người dân sinh sống gần cả đời người ở địa phương này gõ cây gậy gỗ vào vết vá trên mặt đường, vui vẻ nói: “Bao năm nay, phải có đến hàng chục nghìn ổ gà ổ vịt được đội vá đường sửa chữa. Người các nơi về đây hay tị, chỉ có bà con phường Tân Lộc là sướng nhất vì đường sá sạch đẹp khang trang, đi lại thuận tiện. Cũng nhờ đội vá đường hoạt động bền bỉ mà người dân xứ cù lao hạn chế được tai nạn xe cộ”. Bà con và mạnh thường quân có lòng đóng góp, hỗ trợ tiền và vật liệu, Trung và đội vá đường gom về một mối, bỏ công vá đường.

Trung đằm giọng: “Khởi sự việc vá đường này là khi tôi chứng kiến cảnh một cụ già 87 tuổi bị ngã vì vấp ổ gà, gãy chân tay và chấn thương sọ não, dẫn tới bị liệt nửa người cách đây 17 năm về trước. Giờ, con cháu cụ gặp tôi cứ than rằng nếu tôi dặm vá đường sớm hơn một chút thì cha, ông họ đâu gặp họa thế này!”. Hiện nay, Trung và đội vá đường không chỉ hoạt động ở Cần Thơ mà còn mở rộng địa bàn thêm hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp.

Anh nhớ lại, hồi đầu chưa hiểu biết nhiều, một mình anh lấy xi-măng vá đường, sau rút kinh nghiệm đổi sang dùng nhựa đường thì chất lượng tốt hơn hẳn. Thấy Trung cần mẫn dặm, vá đường ngày này qua ngày khác, nhiều thanh niên trên cù lao cảm phục và tình nguyện xin gia nhập đội, có thời điểm lên đến 50 người, hoạt động từ năm 2005 đến nay. Người cao tuổi nhất đội hiện thời là ông Nguyễn Văn Năm, gần 90 tuổi. Trung không muốn để cụ vào đội do tuổi cao, nhưng phải xiêu lòng trước sự quyết tâm của ông Năm. Ông Út, 89 tuổi, là hàng xóm của Trung, vốn sức khỏe yếu, lại mang nhiều bệnh, vậy mà cũng nằng nặc đòi gia nhập đội. Ngoài vá đường, Trung và đội sửa chữa và mở rộng hơn 60 cây cầu lớn nhỏ ở Tân Lộc, giúp bà con hằng ngày đi lại thuận tiện hơn.

Trước đây, Trung vá đường ngày một buổi, một buổi đi làm mướn nuôi cha mẹ già. Mấy năm nay, cha mẹ Trung mở tiệm tạp tại nhà, phục vụ bà con lối xóm, cũng túc tắc kiếm đủ tiền ăn uống sinh hoạt, nên Trung càng có nhiều thời gian toàn tâm toàn ý với công việc.

17 năm tình nguyện vá đường ảnh 1

Những bằng khen ghi nhận đóng góp của Minh Trung với cộng đồng.

Đường hết xấu mới... cưới vợ

Căn nhà riêng nho nhỏ của Trung bắc trên bờ mương đối diện nhà ba mẹ, được dựng nên bảy năm trước chỉ với hơn chục triệu đồng từ tiền thưởng cho những hành động thiện nguyện của anh. Trong căn nhà thưng bằng tôn rộng khoảng 40 m2, treo hàng trăm bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương... trong đó có cả bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch nước. Nhiều trong số đó đã ố vàng màu thời gian, nhưng cái tên Trần Minh Trung vẫn sắc nét trong những khung gỗ với những lời ghi tặng thành tích đáng nể phục của anh.

Trung bảo, cả đội vá đường miễn phí của anh thường nằm nghỉ trong nhà, chuyện trò rôm rả sau mỗi lần đi sửa đường về. Ngước nhìn những tấm bằng khen, giấy khen này, Trung và cả đội thấy bao mệt mỏi bỗng như tan biến. Trung tự hào khoe tôi chiếc bằng chứng nhận danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông” được anh treo ở vị trí trang trọng nhất...

Nhiều nhà hảo tâm trong địa phương và trên cả nước đã đến ngôi nhà đơn sơ này, chung tay góp sức cũng những hoạt động bình dị và có ý nghĩa to lớn với cộng đồng của anh. Những khoản tiền thưởng, tiền tài trợ đã được trao ngay tại nhà của Minh Trung...

Trong căn nhà nhỏ, bà Ba Huy mẹ Trung khẽ thở dài: “Tui có bốn đứa con trai thì đã ba yên bề gia thất. Mong ước lớn nhất của tui là thằng út Trung mau lập gia đình. Cả nhà động viên hoài mà nó có chịu đám nào đâu. Ba, bốn gia đình con gái đã chủ động đánh tiếng, thậm chí có cô ở nước ngoài đọc báo biết Trung, thương mến, cảm phục đã về nước... cầu hôn, nhưng Trung chỉ lắc đầu. Gần bốn mươi tuổi rồi, tui ngày một già, sốt ruột mong mỏi lắm”. Trong bốn người con trai, bà Ba Huy bảo Trung là đứa tình cảm hơn cả. Từ nhỏ, anh đã biết lo toan việc nhà cho cha mẹ. Sáng nào cũng vậy, tờ mờ sáng, Trung dậy chuẩn bị xe, dụng cụ để đi vá đường, đến quá trưa mới về. Buổi chiều, Trung chạy xe máy đi tìm ổ gà, ổ voi để chuẩn bị cho công việc buổi sáng ngày mai. Lịch trình này cứ lặp đi lặp lại hơn chục năm qua.

17 năm tình nguyện vá đường ảnh 2

Thùng nhựa đường anh trữ sẵn trước nhà để vá đường.

Nói đến chuyện hôn nhân, Trung thổ lộ rằng ngại khi có vợ sẽ phải từ bỏ công việc vá đường thiện nguyện mà anh đã theo đuổi suốt thời trai trẻ. Nhiều lúc gặp gỡ bạn bè câu chuyện lại xoay quanh vá đường, sửa cầu...

Cả ngày đi sửa đường, tối về, Trung niệm Phật, ăn chay trường gần 20 năm. Cuộc sống của Trung giản dị, tùng tiệm, hầu như anh không có nhu cầu chi tiêu sắm sanh gì cho bản thân...

Nhìn vào những việc Trung làm và lời anh nói, chẳng ai nghĩ, anh mới học đến lớp 6 trường làng. Trung giãi bày: “Tôi học từ cuộc sống được rất nhiều thứ, không chỉ có việc vá đường, sửa cầu. Đó là bài học về sự bao dung, sống hết mình, dâng hiến cả thời thanh xuân tươi đẹp của đời người cho những công việc thiện nguyện, những người bất hạnh, yếu thế ở chung quanh. Cuộc sống này sẽ đẹp đẽ biết bao khi có nhiều tấm lòng vì cộng đồng, vì một cuộc sống ngày càng tươi đẹp”.